An Giang:
Ồ ạt đào đất ruộng nuôi cá lóc giống vì lãi khủng
(Dân trí) - Trước lợi nhuận cả chục triệu đồng/tháng từ nghề ương cá lóc giống nên hàng trăm nông dân An Giang đã mạnh dạn lấy đất trồng lúa đào ao ương cá lóc giống bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về những rủi ro có thể xảy ra khi lượng cung nhiều hơn cầu.
Đến xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang, đi đâu chúng tôi cũng nghe râm ran câu chuyện làm giàu từ việc nuôi cá lóc giống trên đất trồng lúa.
Anh Nguyễn Văn Hải, ấp Mỹ Quý cho biết, chi phí thuê máy múc 1.000m2 thành 50 cái hố (diện tích từ 2x3 - 3x4m) sâu 1m là khoảng 20 triệu đồng, sau đó là có thể bắt đầu ương cá lóc giống. Theo anh Hải, mỗi hố thả 1 cặp cá lóc bố mẹ, và sau hơn 1 tháng mỗi cặp hố cho ra 3 - 5kg cá lóc giống và với giá bán hiện nay là 250.000 – 280.000 đồng/kg thì mỗi tháng trừ hết mọi chi phí anh Hải thu lãi trên 10 triệu đồng.
Còn anh Anh Trương Minh Chánh, ấp Mỹ Quý là một trong nhiều người thuê đất lúa để nuôi cá lóc giống cho biết: Anh thuê đất lúa của người dân khu vực giá 8 triệu đồng/công/năm để nuôi cá lóc giống. Hiện tại anh nuôi 72 hố cá lóc giống. Vừa rồi, anh bán được 40 hố cá giống, với giá như hiện tại (từ 250.000 – 280.000 đồng/kg) thì anh Chánh thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng chỉ trong một tháng.
“Trồng lúa thì lo lắng sâu bệnh và phun xịt, rồi giá cả nhưng mỗi công (1.000m2) lợi cao lắm là 2 triệu đồng. Còn với diện tích này, nuôi được 50 cặp cá lóc bố mẹ thì sau hơn 1 tháng với giá bán như hiện nay thì đã thu về cả chục triệu đồng/tháng. Bởi vậy, với nghề này nếu con cá lóc chịu đẻ rồi thì xem như tháng nào cũng có tiền bỏ túi”, anh Chánh nói.
Nguồn thức ăn chủ yếu của cá lóc giống là trứng nước. Theo nhiều chủ ao, từ khi cá lóc mẹ đẻ rồi ương nuôi đến khi xuất bán, trung bình cứ 8kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá lóc giống. Giá mỗi kg trứng nước (thức ăn cho cá lóc giống) là 18.000 đồng. Lúc cao điểm, hút hàng giá bán cá lóc giống có thể tăng lên trên 400.000 đồng/kg. Tính ra, sau khi trừ chi phí, người ương nuôi cá lóc giống có tỷ suất lợi nhuận khá cao.
Theo ông Nguyễn Phước Lập, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú cho biết, toàn xã hiện có 50 héc-ta đất ruộng bị biến thành những ao nuôi cá lóc giống. Số hộ nuôi cá lóc giống tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2016 này bởi bà con thấy lợi nhuận cao.
“Tôi có hỏi một nông dân có 6 công đất nuôi cá lóc giống, ông ta nói sau một tháng nuôi đã thu lợi nhuận gần cả trăm triệu đồng. Đúng là nuôi cá lóc giống có lời nhưng phải tùy thời điểm. Hiện tại địa phương đã vận động bà con không tự ý đào đất nuôi cá lóc mới. Bởi giá cả chưa ổn định, nếu rớt giá nông dân sẽ rơi vào cảnh thua lỗ” – ông Lập nói.
Ngày 22/4, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Châu Phú cho biết, hai xã Khánh Hòa và Mỹ Phú hiện nay có trên 60 héc-ta ruộng lúa biến thành nơi nuôi cá lóc giống tự phát. Vấn đề này huyện không khuyến cáo nhiều nhưng bà con vẫn không tuân thủ, chạy theo lợi nhuận. Một khi nhiều người nuôi, đầu ra cho con cá giống không có thì bà con sẽ chịu nhiều rủi ro cho cách làm mạo hiểm này.
Nếu các ngành chức năng không sớm định hướng, quy hoạch vùng nuôi trồng cây, con gì rõ ràng, phù hợp mà cứ để nông dân “tự bơi” giữa biển lớn như hiện nay thì điệp khúc trúng mùa, rớt giá hay phá sản giống như con cá tra cũng sẽ xảy ra.
Minh Thư