Bến Tre:
Nuôi lợn cả xóm được nhờ!
(Dân trí) - Trước đây, người dân ở gần các trại nuôi lợn liên tục vác đơn đi kiện vì không chịu nổi ô nhiễm môi trường. Thế nhưng gần đây, hàng xóm chẳng những không bị “hành hạ” mùi phân lợn mà còn được xài khí gas, nước chứa phân sinh học miễn phí.
Ông Trần Văn Phước (ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Mỹ, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) có thâm niên 40 năm trong nghề chăn nuôi lợn (heo) ở địa phương, số lượng thường trực khoảng 250 con trong chuồng. Trước đây hàng xóm ngán ngẩm vì mùi hôi thối bốc xa hàng km nên liên tục vác đơn đi kiện. Gia đình cũng làm nhiều cách nhưng mùi hôi cũng chỉ thuyên giảm chút ít.
Thế nhưng, từ năm 2008, nhờ áp dụng hầm chứa biogas, trang trại lợn của ông không còn ô nhiễm không khí. Ông Phước cho biết: “Mấy năm nay người dân xung quanh không còn kiện nữa vì không còn mùi hôi, nước qua xử lý bơm tưới cho cây ăn trái rất tốt. Người dân xung quanh còn hưởng lợi vì được xài khí gas miễn phí…”.
Hiện tại ông Phước xây 3 hầm biogas có dung tích 80m3 đủ khả năng xử lý chất thải cho cả trang trại. Ngoài ra ông còn làm đường ống khí gas ngay trước cửa hễ hàng xóm xung quanh cần chỉ cần mua ống kéo về nhà là xài miễn phí. Đến nay đã có 8 hộ xung quanh xài nguồn khí gas này dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí nấu rượu bán vì lượng khí rất dồi dào.
Theo ông Phước, có những gia đình cách xa trại lợn hơn 200 m cũng ráng đầu tư tiền để làm đường ống kéo khí gas về nhà xài. Trước đây, bình quân 1 gia đình tiêu tốn khoảng 150 ngàn đồng tiền gas/tháng, giờ chỉ cần đầu tư ban đầu 1 đến 2 triệu có thể xài miễn phí lâu dài nên ai cũng muốn làm.
Ngoài việc tận dụng khí gas, nhiều người chăn nuôi còn tận dụng nước thải trong hầm biogas để tưới cây ăn trái tiết kiệm tiền phân bón hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Xốt, ngụ ấp Tân Long 2 (xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) nuôi hơn 100 con heo thịt đã xây dựng hệ thống biogas, tiết kiệm chi phí sản xuất hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Xốt cho biết: “Trước đây mỗi tháng tôi tốn từ 2 đến đến 3 triệu đồng cho việc mua phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn bưởi nhưng bây giờ không tốn đồng nào vì đã có nước thải trong hầm biogas tưới mà cây vẫn xanh tốt, cho quả nhiều”.
Hiện tại, 6.000 m2 bưởi da xanh đang cho trái của ông Xốt cây luôn xanh tốt, chất lượng, quả ngọt hơn so với các vườn sử dụng phân hóa học nên được thương mái mua cao hơn giá thị trường. Bây giờ ở khu vực xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) nước thải từ các hộ nuôi heo được xử lý qua hệ thống hầm biogas được nhà vườn xung quanh xin bơm về tưới cho vườn bưởi, dừa của nhà mình để đỡ tốn chi phí phân bón.
Minh Giang