Tiêu điểm kinh tế tuần qua:
“Nóng” yêu cầu của Bộ Chính trị về an ninh của các dự án đầu tư nước ngoài
(Dân trí) - Nghị quyết số 50-NQ/TW do Bộ Chính trị mới ban hành đã nhấn mạnh các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Giáo sư Nguyễn Mại lưu ý: trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình.
Bộ Chính trị yêu cầu rà soát an ninh các dự án đầu tư nước ngoài
Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết này nhấn mạnh các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.
Theo đó, phải xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".
Giáo sư Nguyễn Mại: Hoạt động đầu tư nước ngoài luôn có gián điệp kinh tế
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Nhân sự kiện nói trên, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại nhận định: Nghị quyết này của Bộ Chính trị không nói nhiều mà chỉ nhắc việc rà soát đến an ninh quốc phòng bởi Việt Nam từ trước đến nay đã có rất nhiều Nghị quyết về an ninh quốc phòng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Ông Mại khẳng định, trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia.
Theo vị chuyên gia, cách đơn giản đối với Việt Nam là cần phải chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, chúng ta đang có hai người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây cả 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả.
Nhưng ông lưu ý: Trái lại, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng.
Cao tốc 34.000 tỷ đồng hư hỏng: VEC “chây ì” khắc phục, nhưng vẫn “xin”… thu phí (!?)
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Km65+000 - Km131+500 thông xe tháng 9/2018, nhưng hỏng ngay sau đó (ảnh: Công Bính)
Liên quan đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 34.000 tỷ đồng, đoạn tuyến Km65+000 - Km131+500 sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) được thông xe đầu tháng 9/2018, tuy nhiên ngay khi vừa thông xe tuyến đường đã xuất hiện một số hư hỏng, gây bức xúc cho xã hội. Vì vậy, đến nay đoạn tuyến vẫn chưa được Bộ GTVT cho phép thu phí.
Tháng 7 vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép thu phí đoạn tuyến cao tốc nói trên với lí do nếu chưa thu phí sẽ gây lãng phí lớn về nguồn thu cho nhà nước, trong khi vẫn phải bố trí đơn vị làm công tác đảm bảo an toàn giao thông, bảo trì, vận hành toàn tuyến...
Để giải quyết đề nghị của VEC, Bộ GTVT đã ra “điều kiện” buộc VEC phải hoàn thành việc sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đoạn tuyến. Bộ GTVT đã văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và VEC về việc khắc phục các tồn tại để triển khai thực hiện tổ chức thu phí khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Km65+000 - Km131+500.
Ngân hàng Nhà nước nói gì khi Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ?
Nhà máy In tiền Quốc gia là doanh nghiệp công ích hoạt động không đặt mục tiêu lợi nhuận (ảnh minh hoạ).
Sau khi Nhà máy In tiền Quốc gia công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 với khoản lỗ 11,2 tỷ đồng sau thuế, ngày 19/8, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Chắc chắn hoạt động của nhà máy không thể lỗ vì hằng năm đơn vị này làm việc theo kế hoạch đặt hàng trên nguyên tắc cân đối chi phí đầu vào đầu ra. Nguyên nhân giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái cần nhìn vào cơ cấu thu - chi.
“Chỉ cần một khoản chậm hoặc chưa đến kỳ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn tới hàng tồn. Còn vấn đề ở đây là chi phí tăng do nhà máy mua phí vật tư cho cả năm. Nhà máy có thể tính phí vật tư này vào khoản mục hàng tồn kho. Khi được thanh quyết toán cân đối, trừ chi phí khoản mục lỗ sẽ không còn. Nói chung chỉ là tạm tính”, vị lãnh đạo NHNN này cho biết.
Đáng lưu ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp này cuối tháng 6/2019 hơn 950 tỷ đồng (tăng mạnh so với năm ngoái là hơn 424 tỷ đồng). Theo vị lãnh đạo NHNN, “một phần hàng tồn kho này có thể là tiền hoặc giấy tờ có giá in ra chưa sử dụng. Nếu sau này xuất toán vào nửa cuối năm, khoản này có thể trở thành doanh thu và một phần lợi nhuận”.
Giá vàng bất ngờ tăng mạnh qua mốc 42 triệu đồng/lượng
Giá vàng bất ngờ tăng mạnh lên mốc 42 triệu đồng/lượng (ảnh: Quý Đoàn)
Trong tuần qua, biến động giá vàng vẫn tiếp tục gây chú ý. Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng 21/8, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của DOJI giao dịch ở mức 41,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 42,1 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này tăng mỗi chiều 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày trước đó.
Tương tự tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC giao dịch ở mức 41,5 triệu đồng/lượng - 41,8 triệu đồng/lượng, cũng tăng 100.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, lúc hơn 7h sáng nay 21/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm nhẹ USD, giao dịch ở mức 1.506,4 USD/ounce.
Mai Chi (tổng hợp)