Bộ Chính trị yêu cầu rà soát an ninh các dự án đầu tư nước ngoài

(Dân trí) - "Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ Chính trị yêu cầu rà soát an ninh các dự án đầu tư nước ngoài - 1

Bộ Chính trị yêu cầu rà soát an ninh các dự án đầu tư nước ngoài nhạy cảm (ảnh minh họa)

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu: Qua 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô...

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới, như: Thể chế chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao...

Nghị quyết nhấn mạnh các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.

"Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ.

Theo Bộ Chính trị, những hạn chế yếu kém nêu trên có nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan từ việc nhận thức của các cấp, các ngành của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập.

Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Về các con số đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra rõ từng mục tiêu cụ thể. Giai đoạn 2021 - 2025 vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần đạt khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).

Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).

Nghị quyết nêu rõ tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hoá cần tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Nguyễn Tuyền