1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nóng và lạnh thị trường chuyển phát nhanh mùa dịch

Trường Thịnh Nguyễn Nhuận

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã lan rộng hơn 50 tỉnh thành, kéo theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, từ truyền thống sang online.

Giao hàng - mắt xích quan trọng, kết nối đơn vị kinh doanh với người tiêu dùng
Chưa bao giờ thị trường chuyển phát nhanh và nghề shipper lại "nóng" như bây giờ. Nhưng khó khăn, mặt trái của nghề cũng "lạnh" không kém.

Theo khảo sát của Visa (Công ty thanh toán kỹ thuật số) tại Việt Nam: Kể từ khi đại dịch lan rộng, có 85 % người tiêu dùng mua sắm hàng hóa - dịch vụ ít nhất một lần một tuần trên các ứng dụng thương mại điện tử và 44 % người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội.

Làn sóng mua sắm online đã mở ra những cơ hội cho thị trường vận chuyển và giao nhận, cụ thể là cho thị trường ứng dụng giao đồ ăn và giao hàng hóa tận nơi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Nghề shipper trở thành một mắt xích quan trọng, kết nối đơn vị kinh doanh với người tiêu dùng trong nền kinh tế số.

Giữa lúc đơn hàng của các shipper nhảy từ một con số lên 2 con số, thậm chí là 3 con số trong ngày, thì thông tin về một số ca mắc Covid-19 mới là tài xế công nghệ, tài xế xe khách, nhân viên giao hàng đã khiến cho cả người giao và người nhận đều lo ngại.

Khách hàng ở nhà tránh dịch, shipper ra đường "hứng dịch"

Đó là câu nói chua chát của anh Hoàng Bá Ngọc, một shipper ở TPHCM mới vào nghề được 3 tháng: "Từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, tôi bị mất việc nên chuyển qua làm shipper. Đơn hàng nhiều, những ngày chịu khó nhận đơn, tôi kiếm khoảng 500.000đ/ngày. Nhưng cả gia đình lo lắng cho tôi, vì khách hàng ngồi ở nhà, đặt hàng online để tránh lây nhiễm, còn shipper chúng tôi phải ra đường, tiếp xúc với hàng trăm người mỗi ngày, không khác gì "hứng dịch".

Lo ngại của anh Ngọc cũng là mối lo chung của giới tài xế công nghệ, shipper hiện nay. Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, tiếp xúc với hàng hóa, người cung cấp hàng và khách nhận hàng liên tục, nên việc tuân thủ chặt chẽ 5K là điều tương đối khó khăn đối với họ. Và đặc biệt khi trở thành F0, chính họ lại là nguồn lây nhiễm, tạo thành những ổ dịch mới với diện rộng trong cộng đồng.

Ngoài bệnh dịch nguy hiểm luôn rình rập, giới shipper còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như thời tiết nắng nóng cao độ, các hàng quán đều đóng cửa khiến họ thiếu chỗ dừng chân ăn uống nghỉ ngơi, sự dè chừng của khách hàng và những người đối diện…

Doanh nghiệp chuyển phát - "nhiều đơn cũng khóc"

Chị Lương Thị Huyền (Quận 2, TPHCM) cho biết: "Tôi đặt mua sữa bột từ một cửa hàng đồ xách tay trên mạng. Tiền đã thanh toán trước, tiến độ giao hàng trong 2 ngày, nhưng tới nay đã 4 ngày chưa nhận được hàng. Liên hệ với chủ shop thì họ khẳng định đã giao hàng cho bên thứ ba là đơn vị chuyển phát nhanh. Tôi đang chờ hai bên đó giải quyết với nhau".

Nóng và lạnh thị trường chuyển phát nhanh mùa dịch - 1
Trong thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về việc tình trạng lãn công của nhân viên một công ty vận chuyển, dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng.

Tình trạng lãn công, đình công của các shipper, nhân viên kho khiến không ít doanh nghiệp trong ngành chuyển phát, giao nhận đang lâm vào cảnh "nhiều đơn cũng khóc". Bên cạnh đó, việc vừa vận hành bộ máy vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đã khiến cho nhịp độ hoạt động chậm lại. Tình trạng kẹt đơn, ùn ứ, không giao kịp đơn hàng đã xảy ra. Nguy cơ phải đền bù hàng hóa, khách hàng quay lưng là điều nhìn thấy trước mắt.

Lúc này, để thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch, vừa vận hành tốt guồng máy giao nhận là bài toán không dễ giải đối với các doanh nghiệp chuyển phát. Bản thân doanh nghiệp cùng người lao động cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh tương ứng với từng thời điểm và diễn biến bệnh dịch, đồng thời triển khai áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Mặt khác, doanh nghiệp chuyển phát cũng cần nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh trong thời kỳ bệnh dịch.

Chỉ có sự thích nghi và biến đổi nhanh chóng mới giúp các doanh nghiệp chuyển phát biến "nguy" thành "cơ" và không còn cảnh "nhiều đơn cũng khóc".