1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh với hàng Thái, Trung Quốc do đâu?

Phạm Tâm

(Dân trí) - Chi phí logistics tại ĐBSCL hiện cao một cách bất hợp lý, lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản vùng này giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc.

Ngày 9/4, tại Hậu Giang đã diễn ra buổi tọa đàm "Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL". Tại tọa đàm, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đã cùng bàn cách giảm chi phí cho nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh với hàng Thái, Trung Quốc do đâu? - 1
Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi tại buổi tọa đàm.

 ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn.

Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… 

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết, ĐBSCL thiếu các trung tâm logistics trọng điểm. Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi. Trong khi đó, hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển.

Những điểm hạn chế này dẫn đến thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm. Điều này khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Theo bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn khi đầu tư đều xây dựng trung tâm logistics đi kèm và đây là xu hướng của thế giới. Việc hình thành những trung tâm logistics đa dịch vụ sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nông sản ĐBSCL; tạo điều kiện tốt nhất để nông sản xuất khẩu mạnh  ra thị trường quốc tế, từ đó đóng góp tăng trưởng đáng kể cho GDRP của ĐBSCL và Hậu Giang.

Nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh với hàng Thái, Trung Quốc do đâu? - 2

Cảng Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) đang trông chờ kênh Quan Chánh Bố hoàn thiện để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết: "Chi phí logistics đang gặp nhiều khó khăn do tăng gấp đôi, tạo điểm nghẽn cho trái cây tươi. Sản lượng trái cây tươi đang có xu hướng giảm dần ở một số thị trường do đi bằng đường hàng không, giá cao. Do đó, cần làm tốt khâu bảo quản sau thu hoạch cho trái cây thì mới xuất khẩu bằng đường biển, giảm chi phí. Các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư đúng mức cho hạ tầng của ĐBSCL".

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu (10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải). Đây là vấn đề "sinh tử" đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL.

Đồng thời, mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TPHCM, Long An với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đảm bảo cho các loại sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan lớn lưu thông thuận lợi hai chiều không phụ thuộc vào con nước lớn ròng, từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa; đặc biệt là container lưu thông tuyến TPHCM - Long An - Tây Nam Bộ - PhnomPenh.

Buổi tọa đàm đưa ra mô hình trung tâm logistics "một điểm đến đa dịch vụ" chuyên xuất khẩu nông sản mang tên Hạnh Nguyên Logistics, đặt tại tỉnh Hậu Giang. Trung tâm sẽ là nơi quy tụ hàng trăm thương nhân để bà con nông dân giao dịch, chào bán nông sản, đặc biệt là có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như tập quán bao đời nay.

Điều này giúp bà con nông dân không còn gặp áp lực về thời gian chốt giá, thoải mái tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận công bằng so với công sức, tiền của đã đầu tư, đồng thời không còn lâm cảnh "giải cứu nông sản" như thường thấy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm