RCEP và loạt "siêu hiệp định" có vực dậy được logistics Việt hậu Covid-19?

Mai Chi

(Dân trí) - Ngành logistics đã có những dấu hiệu hồi phục đáng kể sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thành công và việc Việt Nam liên tục tham gia các FTA lớn đã giúp triển vọng ngành này "sáng" hơn.

Covid-19 phơi bày những vấn đề của logistics

Báo cáo mới nhất của Vietnam Report liên quan đến ngành logistic (vận tải giao nhận) vừa được công bố đã đánh giá: Sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, thế giới đang kết nối hơn bao giờ hết. Sự kết nối này đã mở ra cơ hội lớn cho thương mại toàn cầu và thúc đẩy chuỗi cung ứng phát triển với quy mô, mức độ tích hợp cao hơn.

Tuy nhiên, chính vì tính liên kết mạnh mẽ đó mà khi một cú sốc bất ngờ như đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo nên một làn sóng chấn động toàn thế giới, phơi bày các vấn đề cơ bản của chuỗi cung ứng nói chung và ngành logistics nói riêng - vốn là xương sống của chuỗi cung ứng.

Do vậy, tất cả câu chuyện từ việc ứng phó với khủng hoảng cho tới khắc phục những sai lầm, đề ra chiến lược phát triển trong thời hậu Covid-19 của ngành logistics sẽ khó tách biệt riêng rẽ với chuỗi cung ứng.

RCEP và loạt siêu hiệp định có vực dậy được logistics Việt hậu Covid-19? - 1

Cảng Tân Vũ (ảnh: VPG)

Theo chuyên gia Vietnam Report, "cú sốc" với quy mô toàn cầu và bắt đầu từ Trung Quốc - HUB logistics (trung tâm hậu cần) lớn nhất của thế giới tác động lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

Để hiểu được tác động của đại dịch trong ngành logistics, cần phải đặt vào thời điểm Covid-19 xảy ra - khi mà những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, buộc một số công ty phải xem xét lại hoạt động của mình, trọng tâm là chiến lược "Trung Quốc +1", lấy nguồn nguyên liệu đầu vào chi phí thấp từ các thị trường như Việt Nam và Mexico.

Theo khảo sát của Vietnam Report, hai nguyên nhân lớn nhất khiến cho mức độ ảnh hưởng của đại dịch trở trên nghiêm trọng như vậy bao gồm: chủ quan, đánh giá thấp tác động của dịch và không hành động đủ nhanh khi ứng phó với dịch.

Thêm vào đó, trên 50% số doanh nghiệp cho rằng quản trị rủi ro yếu kém; không lập kế hoạch trước; đánh giá thấp sức mạnh của việc lập chiến lược/mô hình kinh doanh cũng khiến doanh nghiệp trở nên lúng túng hơn trong quá trình ứng phó với những khó khăn của đại dịch. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất trong chuỗi cung ứng được cho sự thiếu rõ ràng trong việc xác định nhu cầu khách hàng.

Vấn đề nói trên xuất phát từ việc kiểm soát biên giới và hạn chế thương mại làm giảm số chuyến bay dẫn đến sự thiếu hụt về tải, làm tăng giá vận chuyển; hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày kéo theo chi phí lưu kho tăng; số lượng đơn hàng giảm sút do khách hàng, đối tác ngừng hoạt động, đóng cửa, gặp khó khăn...

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vào tháng 3/2020, khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nhờ kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng đã có nhiều thuận lợi trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bằng chứng là khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 10-11/2020 cho thấy tình hình đã được cải thiện đáng kể. Năng lực hoạt động của 87% số doanh nghiệp tại thời điểm này đạt mức trên 60% so với trước đại dịch.

Thương mại điện tử bùng nổ "kéo" logistics

Báo cáo cũng chỉ ra, sự bùng nổ thương mại điện tử mở ra cơ hội "chuyển mình" cho các doanh nghiệp trong ngành logistics.

Theo công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt trên 32%. Quy mô bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT năm 2019 cũng đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6%, mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp).

Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT trong quý 4/2020 là 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ năm 2020 ước đạt 12 tỷ USD. Nhu cầu thị trường TMĐT tăng kéo theo nhu cầu các dịch vụ logistics như: chuyển phát, kho hàng... cũng ngày càng lớn.

Nhằm gắn kết với các nền kinh tế khu vực và thế giới, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực đàm phán và thông qua một số hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, EVFTA hay RCEP. Theo chuyên gia Vietnam Report, những hiệp định này chính là cú hích cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Đó là do khi thâm nhập thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ cần thực hiện các dịch vụ như vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan trong nước.

Ngoài ra, với cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ các nước tham gia hiệp định, doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những thiết bị sản xuất với giá hợp lý, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.

Tuy nhiên cơ hội luôn song hành cùng thách thức, buộc các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khảo sát Vietnam Report thực hiện năm 2019 đã chỉ ra 8 yếu tố cần cải thiện đối với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng ngành vận tải và logistics, trong đó có 72,7% doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy (chiếm 63,6%), sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích (45,5%), độ đáp ứng (45,5%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,4%) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,2%). Về cơ bản, đây là những điểm yếu từ nội tại doanh nghiệp cần thời gian dài để có thể cải thiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm