"Nóng" nghẽn lệnh: Người trong cuộc lần đầu bộc bạch chuyện hậu trường

Mai Chi

(Dân trí) - Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - lần đầu tiên đã chia sẻ những câu chuyện "hậu trường", lý giải vì sao hơn 20 năm qua hệ thống HSX vẫn chậm.

Những vấn đề "nóng" liên quan đến sự cố nghẽn lệnh gây bức xúc cho cộng đồng nhà đầu tư suốt thời gian qua đã được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán nêu ra trực tiếp với các diễn giả tại Tọa đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HSX: Thực trạng và giải pháp" tổ chức sáng nay (24/6).

Nóng nghẽn lệnh: Người trong cuộc lần đầu bộc bạch chuyện hậu trường - 1

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN (Ảnh: Duy Thái/TBTC).

Hệ thống KRX chậm trễ có nguyên nhân chủ quan từ nhà quản lý

Tại tọa đàm sáng nay, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - lần đầu tiên đã chia sẻ những câu chuyện "hậu trường", lý giải vì sao suốt hơn 20 qua, sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) vẫn chưa làm chủ được hệ thống công nghệ.

Trước khi là Chủ tịch UBCKNN, ông Dũng từng là Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và HSX. Theo ông Dũng, thắc mắc này của nhà đầu tư tuy khó trả lời nhưng là "hợp lý" và "chính đáng".

"Nếu nói ngắn gọn vì sao 20 năm qua vẫn chưa làm xong hệ thống thì đó là một quá trình nhận thức" - ông Dũng bày tỏ. "Dự án này bắt đầu từ năm 2000. Không biết các anh chị kiến thức và hiểu biết về TTCK đến đâu nhưng cá nhân tôi cũng như nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học lúc đó có thể hiểu biết khá nhiều về chức năng, cách tổ chức thị trường cấu phần công nghệ của một hệ thống, hệ thống vận hành ra sao thì dường như chưa ai nắm rõ".

Cũng theo ông Dũng, sự cầu toàn của cơ quan quản lý cùng mong muốn tạo ra một hệ thống đáp ứng đầy đủ, toàn diện đã dẫn đến việc chuẩn bị cho hệ thống vẫn có nhiều vấn đề.

Theo đó, trong khi yêu cầu đặt ra cao thì nhận thức lại vẫn còn hạn chế. Khi hình thành dự án khá phức tạp, thiếu kinh nghiệm xử lý quốc tế, đặc biệt về công nghệ thông tin trong lĩnh vực chứng khoán.

"Chúng tôi cũng thừa nhận rằng trong việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý Nhà nước đến chủ đầu tư là HSX đã không lường đến được tình hình, thiếu quyết liệt" - ông Trần Văn Dũng thẳng thắn.

Vị Chủ tịch UBCKNN kể lại, vào năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt dự án, tuy nhiên, thời điểm này, thị trường còn nhỏ và được phía Thái Lan hỗ trợ và dự án được điều chỉnh chậm lại một chút.

Trong quá trình đó, cơ quan quản lý đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng mô hình và sau đó là lập hồ sơ mời thầu cho hệ thống, mất nhiều thời gian.

Theo ông Dũng, giới hạn về nhận thức là một rào cản rất lớn. Khi mới bắt đầu triển khai dự án thì dự án này chỉ triển khai cho HSX, nhưng sau đó lại mở rộng ra trở thành dự án tổng thể cho cả thị trường bao gồm HSX, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), thậm chí là thay thế cả hệ thống HNX, đáp ứng cho cả phái sinh, trái phiếu.

Đến năm 2009 thì ký được hợp đồng bảo trì với Sở giao dịch Thái Lan. Lúc này, hệ thống vẫn ổn nên chưa có sự quyết liệt trong triển khai hệ thống mới.

Sự cố "không may" từ nhà thầu phụ của Hàn Quốc

Ông Dũng cũng đề cập đến cả "những câu chuyện không may". Cụ thể, khi đã ký hợp đồng xong xuôi với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thì một nhà thầu phụ rất quan trọng của Hàn Quốc thực hiện về giao dịch bù trừ đã có vấn đề và bỏ thầu. KRX mất rất nhiều thời gian để tìm nhà thầu phụ mới.

"Khi mọi việc xử lý xong, lắp đặt được xong phần cứng phần mềm, bước vào giai đoạn kết nối, vận hành thử thì xảy ra Covid-19. Hợp đồng này lại không cho phép thay đổi chi phí dự án, nên nếu chuyên gia Hàn Quốc qua sẽ phải thực hiện cách ly gần 1 tháng và phát sinh rất nhiều chi phí. Chúng tôi cũng không biết phải xử lý thế nào" - ông Dũng bộc bạch.

Bản thân ông Dũng nhìn nhận, trong quá trình xử lý dự án, phía cơ quan quản lý vẫn chưa quyết liệt. Từ ngày 14/6, dự án hệ thống KRX đã chạy thử nghiệm và dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào được hoạt động chính thức.

"Đây là một kỷ niệm vui buồn lẫn lộn nhưng sẽ kết thúc được vấn đề" - ông Dũng chia sẻ. Bên cạnh đó, dù không thể đưa ra một ngày cụ thể, nhưng ông Dũng khẳng định sẽ không vượt quá thời hạn đã cam kết với thị trường và các nhà đầu tư, đảm bảo một khi đã đưa vào hoạt động sẽ không còn xuất hiện sự cố.