Chấm dứt nghẽn lệnh trên HSX: FPT thực hiện lời hứa ra sao?
(Dân trí) - Cho đến phiên hôm nay (23/6), dù thanh khoản đã thu hẹp so với các phiên trước song nghẽn lệnh vẫn diễn ra. Tình trạng này dự kiến sẽ chấm dứt vào tuần tới.
Dầu khí bị chốt lời mạnh, cổ phiếu chứng khoán "trỗi dậy"
Thị trường vừa trải qua một phiên giao dịch đầy gay cấn trong ngày 23/6. Nếu như ở phiên giao dịch sáng, VN-Index gần như giao dịch trên đường tham chiếu thì vào phiên chiều, chỉ số giằng co trong vùng giá giảm.
Cụ thể, VN-Index vẫn trong đà tăng đến 10h40 sáng trước khi lao thẳng từ 1.387 điểm xuống 1.374 điểm và rung lắc mạnh ở phiên chiều. Đóng cửa, VN-Index thu hẹp mức giảm còn 3,1 điểm tương ứng 0,22% còn 1.376,87 điểm.
Trong khi đó, VN30-Index đạt được trạng thái tăng 0,29 điểm tương ứng 0,02% lên 1.489,53 điểm. Chỉ số này có lúc đã vượt 1.500 điểm tuy nhiên tại vùng này, áp lực chốt lời mạnh đã khiến VN30-Index phải thoái lui.
HNX-Index tương tự giảm 1,29 điểm tương ứng 0,41% còn 315,8 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm tương ứng 0,07% còn 90,04 điểm.
Thanh khoản phiên này thu hẹp xuống còn 21.124,13 tỷ đồng trên HSX, khối lượng giao dịch ở mức 710,77 tỷ đồng. HNX cũng chỉ có 122,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.718,91 tỷ đồng; con số này trên UPCoM là 87,87 triệu cổ phiếu tương ứng 1.628,05 tỷ đồng.
Thị trường chìm trong sắc đỏ với số lượng mã giảm lên tới 602 mã, có 12 mã giảm sàn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn có 303 mã tăng, 42 mã tăng trần.
Nếu như phiên hôm qua, dòng ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thì ở phiên này, cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực. Ngoài trừ VIX và VCI điều chỉnh giảm lần lượt 1,9% và 1%, các mã còn lại hầu hết tăng giá.
AAS gây ấn tượng mạnh với diễn biến tăng trần từ đầu phiên với mức tăng lên tới 14,6% lên 15.700 đồng. SBS tăng 0,8%; HCM tăng 3,6%; VDS tăng 2,6%; VND tăng 1,9%; MBS, CTS,BVS cùng tăng 1,4%; HSH tăng 1,2%; AGR tăng 1,1%; SSI tăng 0,8%..
Dòng ngân hàng vẫn hút dòng tiền với sự dẫn dắt của những mã lớn như: VCB tăng 2%; VPB tăng 4,5%; CTG tăng 1,5%; BID tăng 0,9%. Bên cạnh đó, BVB cũng tăng 4,5%; ABB tăng 3,7%; SGB tăng 3,3%; PGB tăng 2,2%; TPB, NAB, TCB, KLB đều tăng giá.
Ngược lại, tiền rút khỏi cổ phiếu dầu khí. Ngoại trừ PVT đóng cửa đạt được mức tăng 2,1% thì hầu hết mã dầu khí đều giảm mạnh do áp lực chốt lời. PLX giảm 3,6%; PVP giảm 3,4%; BSR giảm 3,2%; PVB giảm 2,9%; PET giảm 2,7%; PLC giảm 2,5%; PVC giảm 2,5%; PXS giảm 2,1%; PVS giảm 2%...
Cuối tháng 6 sẵn sàng cho hệ thống mới
Mặc dù trong phiên hôm nay, thanh khoản thị trường thu hẹp so với các phiên trước, tuy nhiên tình trạng nghẽn lệnh, bảng giá bị "đơ", khối lượng đặt mua/đặt bán vẫn hiển thị sai lệch khiến nhà đầu tư rất ức chế.
Đặc biệt, vào thời điểm cuối giờ sáng và đầu giờ chiều, khi thị trường biến động mạnh, tình trạng loạn giá đã khiến nhiều nhà đầu tư "dính đòn tâm lý" và đặt bán lệnh thị trường (MP). Đến cuối phiên, nhiều mã cổ phiếu đã hồi phục, nhà đầu tư bị thiệt hại đáng kể ngay trong phiên.
"Tôi được biết HSX đã có những động thái để khắc phục tuy nhiên tình trạng đơ, nghẽn cứ xảy ra như thế này thật sự khiến nhà đầu tư ức chế" - chị Nguyễn Thanh Hà, một nhà đầu tư ở Hà Nội bức xúc.
Trong một diễn biến mới nhất, xuất hiện trên Bản tin tài chính kinh doanh sáng nay (23/6) của VTV, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS cho biết, trong quá trình triển khai, FPT luôn duy trì đội ngũ rất lớn gồm 50 chuyên gia FPT làm việc cùng 30 chuyên gia HSX làm việc liên tục nhằm tăng dung lượng của hệ thống cấp 3 hiện nay để đảm bảo khoảng 3 - 5 triệu lệnh giao dịch/ngày.
"Chúng tôi đã quyết định mang phần mềm của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để triển khai cho HSX" - ông Triều thông tin.
Việc chỉnh sửa được thực hiện với 3 nội dung chính. Thứ nhất, FPT chỉnh sửa hệ thống giao dịch cho phù hợp quy định giao dịch của HSX.
Thứ hai, FPT điều chỉnh hệ thống tiếp nhận lệnh của HNX theo chuẩn kết nối của các công ty chứng khoán ở HSX.
Thứ ba, tích hợp hệ thống giao dịch mới này vào các hệ thống hiện có của HSX và các hệ thống liên quan, điển hình là Trung tâm Lưu ký chứng khoán để kiểm tra việc chuyển đổi dữ liệu hàng ngày. FPT cũng đưa ra các kịch bản sự cố có thể xảy ra và các biện pháp khắc phục.
Ông Dương Dũng Triều cũng khẳng định, đơn vị đã xây dựng các quy trình vận hành hệ thống để đảm bảo hệ thống giao dịch mới này có thể vận hành trơn tru, đảm bảo sẵn sàng go-live (bắt đầu đi vào hoạt động) vào cuối tháng 6 này.