Bình Định:

Nông dân "sốc" vì hành củ rớt giá kỷ lục từ 60.000 đồng còn 5.000 đồng

Doãn Công

(Dân trí) - Người trồng hành ở Bình Định cho biết hiện giá hành tím, hành hương dao động chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Chính quyền địa phương tính phương án "giải cứu" hành giúp nông dân.

Xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) được ví là xứ sở của cây hành.

Theo thống kê của UBND xã Cát Hải, vụ đông xuân năm 2020-2021, toàn xã trồng 144 ha hành (hành hương củ). Năng suất năm nay đạt cao đến 105 tạ/ha, tăng hơn vụ đông xuân năm trước 25 tạ/ha nhờ thời tiết thuận lợi và bà con đầu tư thâm canh.

Nông dân sốc vì hành củ rớt giá kỷ lục từ 60.000 đồng còn 5.000 đồng - 1

Hành hương khô có năm người dân bán với giá 60.000 đồng/kg nhưng năm nay thương lái chỉ mua dao động trên dưới 10.000 đồng.

Tuy nhiên, năm nay giá hành củ xuống thấp thảm hại so cùng kỳ năm trước. Năm ngoái giá hành củ loại tốt là 40.000 - 50.000 đồng/kg thì năm nay lúc cao nhất cũng chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, loại 2 còn xuống dưới 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Liêm (69 tuổi ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát) cho biết, 2 năm vừa rồi, cây hành có giá nên người dân chuyển qua trồng trồng nhiều.

"Ở đây, nhiều cặp vợ chồng trẻ có sức khỏe còn thuê thêm đất trồng mẫu hành. Một vụ trừ hết tất cả các chi phí cũng lãi 50-70 triệu đồng là bình thường. Nhưng năm nay, người trồng hành trắng tay, tiền bán hành không đủ tiền phân bón, tiền điện bơm nước", ông Liêm ngậm ngùi.

Nông dân này kể thêm, trước đây, vợ chồng ông còn khỏe cũng làm 7-8 sào (sào 500 m2), giờ còn làm 3 sào. Năm nay, giá hành giảm sâu. Ông lỗ kỷ lục. "Năm ngoái, hành vừa nhổ lên đã bán được giá 35.000 đồng thì năm nay hành khô còn 7.000 đồng/kg mà thương lái không mua. Nếu 20 ngày nữa số hành này không bán được hoặc trồng không được sẽ hư hết", ông nói.

Nông dân sốc vì hành củ rớt giá kỷ lục từ 60.000 đồng còn 5.000 đồng - 2
Ông Nguyễn Liêm trữ hành trong nhà vì không bán được nhưng nay đang lo hành sẽ bị hư vì để lâu ngày.

Bà Nguyễn Thị Thân, một nông dân khác, thở dài nói: "Nhà nông không làm ruộng thì lấy gì sống, lúc mới trồng xuống lo thiên tai, hạn hán mất mùa, còn được mùa thì lại lo rớt giá. Chưa bao giờ giá hành giảm giá sốc vậy, bán 1 kg hành khô mà không mua nổi ổ bánh mì, quá thảm".

Trong khi đó, vụ đông xuân năm nay, huyện Phù Mỹ trồng trên 240 ha hành tím. Do đầu tư chăm sóc đơn giản, giá cả trong nhiều năm qua ổn định từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng/kg nên nhiều người chọn trồng hành tím.

Thế nhưng năm nay, khi nông dân trồng hành tím được mùa thì giá lại xuống thấp. Hiện, thương lái cũng chỉ thu mua hành tím khô ở mức cực thấp 5.000 - 7.000 đồng/kg khiến người nông dân điêu đứng.

Nông dân sốc vì hành củ rớt giá kỷ lục từ 60.000 đồng còn 5.000 đồng - 3

Lẽ ra vụ này, bà Thảo chuyển qua trồng đậu phụng (lạc) nhưng vì còn số lượng lớn hành hương củ không bán được nên bà tiếp tục trồng hành.

Ông Lê Văn Lũy, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) vừa thu hoạch 4 sào hành tím nhưng đành đem phơi khô rồi cất trữ trong nhà vì bị thương lái ép giá. "Năm ngoái tôi bán hành tím khô với giá 30.000  đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn bán được 11.000 đồng/kg, đó là với hàng đẹp. Nhiều hộ bán 5.000 - 7.000 đồng/kg mà thương lái lựa chọn rất kỹ; thậm chí không bán được", ông Lũy nói.

Theo một số thương lái, hành khô Trung Quốc tuy không thơm nhưng củ lại to, dễ lột và giá rẻ hơn nên nhiều người tiêu dùng đã chọn mua về dùng.

Ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), thông tin, hiện giá hành tím được thương lái mua rất thấp, gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân. Từ thực tế đó, địa phương đã làm việc với đoàn thanh niên phối hợp với một số doanh nghiệp, rồi tư nhân để có giải pháp hỗ trợ, giải cứu hành giúp bà con nông dân.

Nông dân sốc vì hành củ rớt giá kỷ lục từ 60.000 đồng còn 5.000 đồng - 4

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, năm nay diện tích hành tím tăng cao lại được mùa nên nguồn cung vượt cầu, dẫn đến giá thu mua giảm xuống thấp.

Trong khi đó, tỉnh Bình Định không có nhiều cơ sở thu mua nông sản để bảo quản sau thu hoạch hoặc chế biến sâu, cũng không có doanh nghiệp đứng ra thu mua xuất khẩu sang nước ngoài để ký hợp đồng bao tiêu nông sản với nông dân. Còn người nông dân nếu thấy mùa trước cây nào giá cao thì mùa sau đổ xô đi trồng cây đó.