Nóng chuyện "sữa dạng lỏng khác" cho sữa học đường
(Dân trí) - Đề án sữa học đường hiện vẫn đang là câu chuyện được đông đảo giới phụ huynh học sinh quan tâm. Đề xuất Chính phủ cho phép các loại sữa dạng lỏng khác (sữa bột pha sẵn) ngoài sữa tươi được tham gia chương trình sữa học đường đã gây không ít hoài nghi.
Vì sao đề xuất “sữa dạng lỏng khác”?
Tại hội nghị dinh dưỡng về sữa học đường sáng nay (31/10), nhiều diễn giả đều thể hiện quan điểm ủng hộ Đề án Sữa học đường. Đây là đề án đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia quan tâm từ rất sớm. Việc bổ sung sữa cho trẻ mầm non và tiểu học như mục tiêu đưa ra trong đề án theo một số đại biểu đánh giá là cần thiết.
Theo Quyết định số 1340/QĐ-TT Chương trình Sữa học đường Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, sữa tươi sẽ được sử dụng cho chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế lại có kiến nghị cho phép các sản phẩm sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi tham gia chương trình sữa học đường, vì lo ngại trong nước không đáp ứng đủ nguồn sữa tươi. Tại Hội nghị, Hiệp hội sữa Việt Nam tiếp tục nhắc lại kiến nghị này.
Tại hội nghị sáng nay, GS.TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng, mục tiêu quan trọng của Chương trình Sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, tập trung vào giải pháp uống sữa nhằm đảm bảo cung cấp protein, canxi, vitamin D.
Vì vậy vì này cho rằng, việc ban hành tiêu chuẩn duy nhất cho sữa tươi sẽ dẫn đến việc hạn chế sự lựa chọn các loại sản phẩm sữa khác (sữa chua, phô mai, sữa đậu nành) mà vẫn đáp ứng được mục tiêu chương trình đưa ra.
Trong khi đó, lượng sữa tươi thu hoạch từ đàn bò trong nước mới đáp ứng được 34% tiêu thụ bình quân/đầu người cả nước (9,2kg/26kg).
Cũng theo vị này, việc đưa ra tiêu chuẩn sữa tươi đặt nặng vấn đề bổ sung vi chất sẽ hạn chế các nhà máy, trang trại tại một số địa phương không thể cung cấp được cho các trường học trong khu vực.
Sữa dạng lỏng khác là sữa gì?
Đại diện Cục An toàn thực phẩm dẫn chiếu QCVN 5:1/2010 Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng thì sữa dạng lỏng phân ra 5 loại, trong đó 4 loại là sữa tươi (gồm Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng; sữa tươi thanh trùng) và loại còn lại là sữa tiệt trùng.
Cuối năm 2017, tên gọi sữa tiệt trùng đã được Bộ Y tế gọi rõ tên là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) và sữa hỗn hợp (nền tảng chủ yếu là sữa bột pha với một ít sữa tươi)
Như vậy có thể hiểu “sữa dạng lỏng khác” là sữa bột pha lại. Hiện nay, giá sữa bột gầy (là loại sữa sau khi phun sấy khô đã tách hết chất béo và mất một số vi chất dinh dưỡng do gia nhiệt) chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. Sau khi nhập khẩu về, các loại sữa bột này được bổ sung thêm dầu thực vật, đường, hương vị và đóng gói. Tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng.
Trong khi đó, Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ coi sử dụng sữa tươi cho chương trình Sữa học đường là một giải pháp bởi đạt được 3 mục đích: trẻ em được uống sữa tươi với đầy đủ 18 axit amin và các dưỡng chất tự nhiên phù hợp với sự hấp thu của trẻ; góp phần phát triển chăn nuôi trong nước, chủ động nguồn sữa nguyên liệu thay vì nhập khẩu sữa bột về pha lại (số liệu Hải quan cho thấy năm 2017 VN nhập khẩu tới 1,2 tỷ USD sữa bột, tương đương gần 30.000 tỷ đồng); tạo việc làm cho nông dân
Sữa tươi trong nước đủ đáp ứng nhu cầu
Về năng lực sản xuất sữa tươi, khi trao đổi về vấn đề này với phóng viên, TS.Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại khẳng định qua tính toán cho thấy sản lượng sữa tươi nguyên liệu từ đàn bò trong nước sẽ cung cấp đủ, thậm chí thoải mái cho Chương trình Sữa học đường.
Cụ thể theo con số vị này đưa ra, tổng sản lượng tươi nguyên liệu sản xuất trong nước cần dùng để sản xuất sữa học đường là 587.532 tấn trong khi tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất tính trong năm 2015 là 723,153 tấn.
“Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 dự kiến đã đạt khoảng 960.000 tấn. Chỉ tiêu đến năm 2020 là 1 triệu tấn trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 là hoàn toàn có thể đạt được. Vì vậy, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho Chương trình Sữa học đường tại các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, nếu sữa tươi nguyên liệu trong nước phát triển sẽ mang lại đến rất nhiều lợi ích. “Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn giúp đỡ phụ thuộc vào việc nhập khẩu sữa bột. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an ninh sữa khi có vấn đề dịch bệnh, hay vấn đề khác về chất lượng sữa từ nhập khẩu”, ông Chính cho biết.
Bên cạnh đó, đứng về góc độ dinh dưỡng so sánh giữa tươi 100% và sữa dạng lỏng pha từ sữa bột thì không có sự khác biệt nhiều. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh nếu dùng sữa tươi 100% thì khả năng hấp thu dinh dưỡng, vi chất… thì tốt hơn.
Ông Chinh khẳng định thêm, khi chưa có văn bản nào thay thế hay bổ sung thì các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm quy định theo Quyết định 1340 của Thủ tướng, đó là sử dụng sữa tươi, có thể áp dụng sữa thanh trùng, tiệt trùng tùy điều kiện cho từng trường, từng địa phương.
Ông Chinh nói: “Đối với chất lượng, an toàn sữa cho trẻ em cần có sự giám sát chặt chẽ, không chỉ cơ quan quản lý mà thành phần xã hội, từ nhà trường đến phụ huynh. Phải đảm bảo an toàn từ quá trình chăn nuôi, thu gom, xử lý, phân phối đưa ra thị trường và đến tay các em. Trong đó, Bộ Nông nghiệp chúng tôi có trách nhiệm quản lý với nguồn sữa tươi nguyên liệu, ngoài ra có Bộ Y tế, Bộ Công Thương với việc kiểm soát chất lượng khi sản phẩm được xử lý, đóng gói, đưa ra thị trường”.
Nguyễn Khánh