Nỗi sợ Dung Quất, món nợ lọc dầu

Nếu hạ thấp thuế nhập khẩu xăng dầu Việt Nam như lọc dầu Dung Quất mong muốn thì Nhà nước sẽ phải bù giá cho nhà máy lọc dầu này và Nghi Sơn trong tương lai lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng nếu không hạ thuế, dân thiệt, những công trình tỷ USD này lại doạ đóng cửa.

Ế hàng hay thất thu hàng ngàn tỷ

Cơn lốc khủng hoảng giá dầu dường như chẳng liên quan gì đến sự kêu cứu của nhà máy lọc dầu Dung Quất suốt hai tuần qua về nguy cơ đóng cửa.

Có một khoảng trống không hề dễ hiểu ở câu chuyện này, đó là vì sao, một sản phẩm sản xuất trong nước như Dung Quất lại phải chịu thuế nhập khẩu?. Vì sao, xăng dầu Dung Quất lại không được thuế ưu đãi như xăng dầu ASEAN theo biểu thuế ATIGA, khi mà Việt Nam cũng chính là thành viên khối ASEAN?

Vì sao, Bộ Tài chính lại để xảy ra tình trạng chênh lệch thuế suất lớn như vậy, với nghịch lý xăng dầu "nội" đã chịu thuế nhập khẩu lại chịu mức cao, xăng dầu "ngoại" thuế thấp?

Theo biểu thuế hiện nay, thuế nhập khẩu xăng Dung Quất là 20%, cao hơn 10% xăng nhập từ Hàn Quốc. Thuế dầu diezen, madut Dung Quất là 10% trong khi dầu từ ASEAN và Hàn Quốc là 0%.

Ông Trần Minh Hà, Phó Tổng giám đốc Saigon Petro bày tỏ: "Hàng Dung Quất chắc chắn không cạnh tranh nổi với xăng dầu ASEAN hay Hàn Quốc. Thuế như vậy là điểm khó hiểu nhất".


Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

SaigonPetro cũng như Petrolimex, chỉ dám nhập dầu Dung Quất với hợp đồng 6 tháng để nghe ngóng tin chính sách thuế.

Tuy nhiên, sự khó hiểu của ông Trần Minh Hà có lẽ chỉ là lời nói vui. Bởi bất cứ nhà kinh doanh xăng dầu nào cũng đều biết cơ chế tài chính đặc thù đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất theo Quyết định 925/2012 của Chính phủ.

Theo đó, việc áp thuế cho xăng dầu Dung Quất còn liên quan đến cơ chế ưu đãi nhà máy này cũng như nguồn thu điều tiết về ngân sách Trung ương.

Quyết định 925 cho phép, lọc dầu Dung Quất được giữ lại mức giá trị bằng 7% thuế nhập khẩu trên giá bán tại nhà máy đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu thuế nhập khẩu được ban hành cao hơn 7% thì phần chênh lệch cao hơn này được nộp về ngân sách, nếu thấp hơn 7% thì Nhà nước, thông qua Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) để bù giá cho nhà máy này.

Hiện nay, trong 20% giá trị thuế nhập khẩu thì xăng Dung Quất chỉ phải nộp 13% chênh lệch thuế nhập khẩu về ngân sách Nhà nước. Trong 10% giá trị tính thuế nhập khẩu dầu diezen, Dung Quất chỉ phải nộp 3% về ngân sách.

Nhà nước đã gián tiếp trợ giá cho xăng dầu Dung Quất. Nhưng khi các lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ASEAN, Hàn Quốc được thực thi thì mục đích trợ giá này đã phản tác dụng, đặc biệt là với mặt hàng dầu. Thương nhân đầu mối theo cơ chế thị trường, không có trách nhiệm trong việc phải bao tiêu xăng dầu Dung Quất nên đổ xô đi nhập hàng ngoại hưởng thuế thấp hơn là điều dễ hiểu.

Hai kịch bản xấu xảy ra là ế hàng, lọc dầu Dung Quất phải ngừng sản xuất, ngân sách và bản thân Dung Quất cũng chẳng có nguồn lợi nào để điều tiết.

Thứ hai là để "cứu" Dung Quất, Bộ Tài chính có thể phải giảm thuế MFN ngang bằng thuế từ ASEAN và Hàn Quốc và thấp xa mức 7% thì Nhà nước sẽ phải bù giá hàng nghìn tỷ đồng cho chính nhà máy này.

Giả dụ, dầu diezen hiện có thuế là 10%, nếu hạ đến 0%, Nhà nước sẽ phải tốn hơn 3.000 tỷ đồng để bù cho nhà máy này giai đoạn 2016-2018.

Bộ Tài chính đã ước tính riêng nguồn thu trực tiếp từ thuế dầu diezen này sẽ giảm mất 6.000 tỷ đồng nếu giảm thuế như vậy.

Lỗ hổng ưu đãi lọc dầu

Chia sẻ với VietnamNet, ông Cao Quốc Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Dung Quất kêu khó nhưng hiện nay, vấn đề này đang được Chính phủ bàn rất kỹ. Các biện pháp giải quyết cho Dung Quất cũng sẽ tính tới tương lai cho Nghi Sơn khi nhà máy này có cơ chế tài chính tương tự sẽ vận hành thương mại từ năm 2017.


Hệ thống thiết bị phản ứng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh: theo nangluong)

Hệ thống thiết bị phản ứng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh: theo nangluong)

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ giải quyết ổn thoả chính sách thuế để đảm bảo, lọc dầu Dung Quất không đóng cửa. Năm 2015, nhà máy này sau nhiều lần kêu cứu thì vẫn có lãi tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Nói cách khác, dường như Bộ Tài chính sẽ chỉ còn một lựa chọn duy nhất là giảm thuế, cắn răng bù giá bởi đây là công trình trọng điểm với vốn đầu tư 3 tỷ USD, không dễ mà để "mặc cho chết" như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bình luận.

Đối với lọc dầu Nghi Sơn, dự kiến vận hành từ năm 2017 và được ưu đãi trong 10 năm, nếu hạ thuế dầu về 0%, gánh nợ bù giá này ước tính lên đến khoảng 65.000 tỷ đồng. PVN đưa ra bài toán này với phương án dầu thô là 75 USD/thùng.

Ở tình huống nào, ngân sách cũng thất thu nặng, người tiêu dùng thì vẫn phải chịu giá cả áp dụng chung theo mức thuế cao. Điều này càng tồi tệ hơn khi năm 2016, ngân sách đang cực kỳ khó khăn bởi giá dầu loanh quanh 30-35 USD/thùng và ước tính, hụt tới 46.000 - 56.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ cần yêu cầu Petrolimex phải mua xăng dầu Dung Quất. Năm 2015, PVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo một cơ chế đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong nước rồi mới cấp quota nhập khẩu.

Bài toán về hiệu quả đầu tư các nhà máy lọc dầu đang khiến cơ quan chính sách ở tình thế trở đi mắc núi trở lại mắc sông khi các cơ chế tài chính đặc thù dường như chưa được tính toán đầy đủ dưới tác động của hội nhập.

Theo Phạm Huyền
VietnamNet

Nỗi sợ Dung Quất, món nợ lọc dầu - 3