DMagazine

"Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng"

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, giá vải thiều Bắc Giang đầu vụ vẫn 20.000 - 32.000 đồng/kg nên không có chuyện đặc sản này phải được "giải cứu".

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết tiêu thụ vải đặc sản vẫn đang tốt. Các phương án cho tiêu thụ vải thiều khi vào chính vụ giữa tháng 6 cũng đã được chuẩn bị.

"Vấn đề của Bắc Giang hiện nay không nằm ở khâu tiêu thụ, lo đầu ra cho vải thiều nữa, mà nằm ở nỗi lo cung đường vận chuyển, lưu thông trong mùa dịch Covid-19", ông Tấn nói.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 1

Tình hình tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang hiện tại ra sao?

Bắc Giang đang thu hoạch đầu vụ vải thiều, tính đến nay là hơn 10 ngày với tổng sản lượng lên tới gần 23.000 tấn. Trong đó, 8.000 tấn xuất khẩu, chủ yếu vẫn là vào thị trường Trung Quốc. Còn sang Nhật Bản là 40 tấn, Mỹ là 5 tấn, Campuchia 5 tấn.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 3

Theo đánh giá thì năm nay, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang rất tốt, với sản lượng và chất lượng quả đều đạt hơn năm ngoái. Như giá vải thiều bình quân đầu vụ hiện dao động từ 20.000 - 32.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá cao nhất trong những năm gần đây.

Để việc tiêu thụ, thông thương diễn ra thuận lợi, ngay từ tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch sản xuất vải thiều an toàn trong mùa dịch Covid-19 với những kịch bản hết sức chi tiết. 

Thứ nhất là những trường hợp thuộc nhóm F1 của ca dương tính với Covid-19 sẽ không được quay về vùng vải mà phải đi cách ly. Thứ hai là người ở trong vùng vải sẽ không được ra khỏi địa phương, nơi cư trú theo quy định. Thứ ba là tỉnh sẽ lập các chốt chặn ở các điểm để kiểm soát người ra vào vùng vải.

Theo trao đổi của ông thì mọi việc đang thuận lợi, song hiện mới là đầu vụ. Vậy vào chính vụ, khi mà vải chín rộ, sản lượng nhiều hơn thì Sở Công Thương có phương án ra sao để hỗ trợ người trồng khâu đầu ra sản phẩm?

Bắc Giang đã có kế hoạch bài bản về việc tiêu thụ, sản xuất vải thiều an toàn trong mùa dịch Covid-19 từ trước chứ không phải bây giờ mới tính.

Chúng tôi đã tính toán và chia ra các giai đoạn hết sức cụ thể. Chẳng hạn như từ 20/5 đến 1/6 là tiêu thụ bao nhiêu tấn, từ 1/6 đến 10/6 là bao nhiêu tấn, từ 10/6 đến 20/6 là bao nhiêu tấn. Tương tự, đối với các khung thời điểm từ 20/6 đến 1/7 và từ 1/7 cho đến cuối vụ thì tiêu thụ ra sao.

Đồng thời, Bắc Giang cũng kích hoạt 3 kịch bản cho ngày 10/6 - thời điểm bước vào kỳ thu hoạch vải thiều chính vụ. Giả sử đến ngày 10/6, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt thì tỉnh sẽ thực hiện phương án 50:50, nghĩa là 50% số lượng vải phục vụ cho thị trường trong nước, 50% phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 5

Còn nếu diễn biến dịch phức tạp hơn thì phương án 70:30 được áp dụng, nghĩa là 70% phục vụ cho thị trường trong nước, 30% xuất khẩu. Trường hợp xấu nhất thì kích hoạt phương án 90:10, nghĩa là chỉ 10% phục vụ cho thị trường xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ trong nước.

Song hành với kế hoạch trên, hiện nay, địa phương cũng chủ động phối hợp, liên kết với các trung tâm thương mại, siêu thị, đại lý trên toàn quốc để tìm đầu ra cho vải thiều. Chúng tôi đã ký thỏa thuận hợp tác và phân phối vải thiều ở các chuỗi bán lẻ như Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart & Vinmart+, Aeon, Lotte, Sai Gon Coop… Cùng với đó, chúng tôi bắt tay chặt chẽ với các chợ đầu mối trên cả nước để cùng tiêu thụ vải thiều.

Hiện tại, Sở Công Thương Bắc Giang cũng đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để mang vải thiều lên các nền tảng online, có thể kể đến là các trang thương mại điện tử và các trang mạng xã hội khác.

Tiêu thụ vải thiều thời gian vừa qua trong bối cảnh dịch Covid-19 gặp những khó khăn ra sao?

Nhìn chung, việc phân phối, tiêu thụ vải thiều trong năm nay diễn ra khá thuận lợi và Sở Công Thương cũng chưa gặp vướng mắc, khó khăn gì. Bởi lẽ các kế hoạch, kịch bản đề ra đều hết sức rõ ràng, rành mạch cho từng thị trường, từng phân khúc, từng thời gian hoạt động.

Như chúng tôi dự kiến, sản lượng thu hoạch vải đầu vụ tính từ ngày 20/5 đến 10/6 là 45.000 tấn, từ 10/6 cho đến hết vụ là 135.000 tấn. Đến nay, chúng tôi đã tiêu thụ được gần 23.000 tấn, nên con số đề ra là hoàn toàn có thể đạt được.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 6
Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 7

Mọi năm, cứ đến mùa vải là lại có những thông tin về việc thương lái ép giá người dân. Năm nay thì sao thưa ông? Trong quá trình mua bán vải thiều tại Bắc Giang có hiện tượng này không?

Tôi khẳng định là không có chuyện thương lái, tiểu thương ép giá vải thiều Bắc Giang.

Đặc biệt là không có tình trạng giá vải lên xuống trồi sụt, bất thường. Bởi từ năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch về tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng theo hướng dài hạn và phát triển bền vững.

Nhưng trên mạng xã hội đang xuất hiện một số cá nhân kêu gọi "giải cứu" vải thiều?

Tôi khẳng định lại một lần nữa là Bắc Giang nói không với "giải cứu" vải thiều. Bởi lẽ vải thiều của Bắc Giang hiện tiêu thụ rất tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.

Đến nay, vải đặc sản Bắc Giang đã đến 30 quốc gia trên thế giới, vào được cả những  thị trường khó tính, khắt khe nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu thì làm sao phải đi "giải cứu" cơ chứ.

Nên là tôi nghĩ việc dùng từ "giải cứu" là không phù hợp. Từ "giải cứu" ở đây đang làm tổn thương đến uy tín của người trồng vải, làm ảnh hưởng đến phẩm cấp và chất lượng của vải thiều và mô hình chung đang là làm giảm giá trị của quả vải đặc sản.

Nhìn vào tình hình thực tế, tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao lại nói là "giải cứu" vải thiều trong khi giá bán vẫn neo ở mức 20.000 đồng/kg. Nên tôi cho rằng, ở đây không phải "giải cứu" mà chính xác hơn là chung tay tiêu thụ vải thiều chất lượng cao.

Thế nên, Sở Công Thương Bắc Giang đang phối hợp cùng với các cơ quan chức năng vào cuộc, tuyên truyền đến người dân để hiểu đúng, hiểu rõ về vấn đề này.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 9
Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 11

Giá vải tốt, không bị ép giá, không có chuyện phải "giải cứu", nghĩa là việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang hiện không có khó khăn?

Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành đều hết sức tạo điều kiện cho việc tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang. Tuy nhiên, khi đi vào các thị trường ngách, ở đây chính là các tỉnh, thành phố thì mỗi địa phương lại có các quy định về phòng, chống dịch riêng nên thời gian vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ vải bị kéo dài hơn so với mọi khi. Bởi qua mỗi chốt trạm ở các tỉnh, thành phố, lái xe phải thực hiện các biện pháp phòng dịch, do đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian di chuyển.

Ví dụ như vải thiều đi vào Lào Cai thì lái xe buộc phải qua trạm kiểm soát dịch Km237 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai để xét nghiệm, sàng lọc test kháng nguyên với virus SARS-CoV-2. Đồng thời, tất cả người trên xe chở vải phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trước khi vào địa bàn từ 3-5 ngày. Trong trường hợp không có giấy chứng nhận, bắt buộc phải đổi lái xe.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 13

Vậy tỉnh có những biện pháp ra sao để rút ngắn thời gian lưu thông trên?

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị Chính phủ thiết lập "luồng xanh" để lưu thông mặt hàng vải thiều qua các địa phương nhanh hơn. Qua đó, tỉnh cũng cam kết thực hiện nghiêm về việc phòng chống dịch Covid-19.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 15

Ví dụ như toàn bộ số xe chở vải trên đường đều được khử khuẩn, có biển số xe rõ ràng và đăng ký trên hệ thống toàn quốc. Những lái xe chở vải buộc phải có chứng minh thư, giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2, còn hàng hóa trên xe cũng sẽ được kiểm nghiệm, chứng nhận rõ ràng.

Sở Công Thương cũng chủ động làm việc với Sở Giao thông vận tải để bố trí các phương tiện cho thương lái đến thu mua vải thiều. Như hiện nay địa phương có gần 600 xe luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các vấn đề về hậu cần như kho bãi, thùng xốp, lá cây đều được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Nói giải cứu vải thiều Bắc Giang là làm tổn thương người trồng - 17

Còn vào thời gian cao điểm tiêu thụ vải thiều, tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng giao thông hợp lý. Như huyện Lục Ngạn sẽ có sân vận động của các xã làm điểm đỗ xe. Các lực lượng công an, thanh niên cũng sẽ cùng hỗ trợ quá trình lưu thông trên đường, hay trợ giúp thương lái, lái xe ở các tỉnh vào Bắc Giang thu mua vải thiều.

Thậm chí, chúng tôi còn tính đến cả phương án dự phòng là lập trạm kiểm soát dịch, tiếp giáp với Hà Nội ở bên ngoài tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để thực hiện việc trao đổi lái xe, thực hiện xét nghiệm và test kháng nguyên với virus SARS-CoV-2. Thế nên với từng cấp độ, tình hình dịch Covid-19, chúng tôi sẽ kích hoạt các kịch bản khác nhau.

Xin  cám ơn ông!