Trung Quốc vượt Mỹ thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam
(Dân trí) - Trong năm 2024, Trung Quốc đã vượt Mỹ thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy năm 2024, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Theo hiệp hội, Trung Quốc tăng nhập tôm Việt Nam do nguồn cung nội địa giảm vì thời tiết bất lợi, Ecuador cũng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2024.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng tiêu dùng trong dân, đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Trung Quốc. Nửa đầu tháng 1, xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong năm 2024, kim ngạch nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại.
Trong cơ cấu sản phẩm, tôm khác, chủ yếu là tôm hùm, chiếm tỷ trọng cao nhất 51,7%, do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam. Tiếp theo là tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2%.
Ecuador, đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, ghi nhận giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm trong năm 2024, đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 14% so với năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, nguyên nhân của tình trạng giảm nhập khẩu tôm chân trắng tại Trung Quốc không phải do cung vượt cầu mà do khả năng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu suy giảm đáng kể.
Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí và protein thủy sản nên dần chuyển từ "ưa thích" sang "tùy chọn". Tôm chân trắng là sản phẩm nhạy cảm với giá cả, chịu ảnh hưởng của sự sụt giảm nhu cầu.
Hiệp hội này lưu ý doanh nghiệp nên tăng cường xuất khẩu tôm hùm, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, có giải pháp hấp dẫn kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng truyền thống tại thị trường Trung Quốc.