Dự kiến xóa bỏ mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lập cơ quan mới từ 1/3
(Dân trí) - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết dự kiến từ 1/3, Bộ Công Thương sẽ kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết dự kiến từ 1/3 sẽ là một dấu mốc mới của lực lượng QLTT khi mô hình hoạt động có sự thay đổi.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn, Bộ Công Thương dự kiến tinh gọn 18% bộ máy hoạt động. Cơ quan này sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, dự kiến thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết lực lượng QLTT vẫn hoạt động, vận hành dưới pháp lệnh QLTT năm 2016, nghị định, quy định, thông tư, hướng dẫn, tiêu chuẩn và chính sách cho kiểm soát viên thị trường.

Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục thực hiện công tác chuyển ngạch kiểm soát viên thị trường, cấp và theo dõi thẻ kiểm tra thị trường (Ảnh: DMS).
Mặc dù tổ chức bộ máy mới, ông cho biết Tổng cục vẫn tiếp tục thực hiện công tác chuyển ngạch kiểm soát viên thị trường, cấp và theo dõi thẻ kiểm tra thị trường. Các công tác hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn, đào tạo tiếp tục được triển khai.
Đối với các cục QLTT, trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị các đơn vị tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng trên thị trường. Ông yêu cầu các Cục QLTT phải nhận thức được bối cảnh mới của đất nước, môi trường làm việc, địa bàn hoạt động của các đơn vị dự kiến sẽ có nhiều thay đổi.
Ông đề nghị, các đơn vị cần làm việc có trách nhiệm, chuyên sâu, tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý cũng như các lĩnh vực là thế mạnh của lực lượng QLTT, như hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt giám sát, kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo báo cáo chung, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, toàn lực lượng QLTT đã kiểm tra 9.902 vụ, phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỷ đồng.
Một trong những điểm nóng, thu hút sự quan tâm của người dân và xã hội là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Riêng lĩnh vực này, trong giai đoạn cao điểm, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 1.890 vụ, xử lý 1.606 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 13,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 14,3 tỷ đồng.