1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nội địa hóa bất thành, Việt Nam phải chi hàng tỷ USD mua linh kiện về lắp ráp ô tô

(Dân trí) - Các doanh nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục nhập hàng tỷ USD linh kiện ô tô từ các nước, trong đó phần nhiều từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Lượng nhập khẩu gia tăng cho thấy ngành ô tô Việt đang đang mở rộng diện lắp ráp và hứa hẹn tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam chi hơn 357 triệu USD để nhập linh kiện ô tô, tăng gần 40 triệu USD so với tháng trước đó, mức tăng hơn 12%.

Nội địa hóa bất thành, Việt Nam phải chi hàng tỷ USD mua linh kiện về lắp ráp ô tô - 1

Nội địa hóa bất thành, nhu cầu xe hơi bùng nổ khiến Việt Nam phải tăng chi hàng tỷ USD để nhập linh kiện về lắp ráp xe hơi

Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô chủ yếu từ Hàn Quốc với hơn 105 triệu USD, tăng 13% so với tháng trước; từ Trung Quốc với 59,3 triệu USD, giảm 12%; từ Thái Lan với 57,5 triệu USD, tăng 36%; từ Nhật Bản với 53,1 triệu USD, giảm 7%; từ Indonesia với 26,3 triệu USD, tăng 51%; từ Đức với 18,7 triệu USD, tăng 53% và từ Ấn Độ với 13,5 triệu USD, tăng 12%.

Thị phần của 6 nước xuất khẩu linh phụ kiện ô tô vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia và Đức chiếm khoảng 317 triệu USD, chiếm khoảng 88% tỷ trọng.

Về tổng giá trị nhập khẩu linh kiện, hết 5 tháng, Việt Nam chi hơn 1,65 tỷ USD nhập linh kiện ô tô, tăng hơn 20 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch mặt hàng này từ Hàn Quốc đứng đầu với khoảng 481 triệu USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch. Thị trường cung cấp linh kiện ô tô thứ 2 cho Việt Nam là Nhật Bản với 300 triệu USD, đứng thứ 3 là Trung Quốc với hơn 290 triệu USD, đứng thứ 4 là Thái Lan với 247 triệu USD.

Hơn 5 tháng qua, kim ngạch nhập các loại linh kiện ô tô từ 6 nước nói trên đạt 1,48 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90%, tăng gần 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, linh kiện ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu phát sinh từ hai doanh nghiệp lắp ráp xe lớn là Hyundai Thành Công và Trường Hải. Hyundai Thành Công nhập 100% linh kiện để lắp ráp các mẫu xe i10, Accent, Alantra, Tucson, SantaFe... Còn Trường Hải nhập một số linh kiện để lắp ráp các dòng xe Kia tại Việt Nam.

Chính vì lượng nhập linh kiện xe từ Thành Công và Trường Hải giúp kim ngạch nhập linh kiện ô tô từ Hàn Quốc về Việt Nam tăng mạnh. So cùng kỳ năm trước, kim ngạch đã tăng gần 150 triệu USD.

Về thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia, doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh kiện của Toyota, Mitsubishi và Nissan.

Riêng thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập thiết bị xe tải, dây diện, thuộc da, nệm...

Đáng chú ý, linh kiện ô tô từ Đức tại Việt Nam dù có nhiều nhà máy lắp ráp song nhập từ Đức khá khiêm tốn. 5 tháng qua, các doanh nghiệp Việt chỉ chi hơn 72 triệu USD để nhập linh kiện từ Đức, tỷ trọng này chỉ bằng 1/10 so với kim ngạch mà chúng ta nhập từ Hàn Quốc.

Hiện nhiều mẫu xe thuộc Mercesdes đã được lắp ráp ở Việt Nam. Tới đây, Trường Hải cũng có kế hoạch lắp ráp các mẫu xe BMW mà doanh nghiệp này đang nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối tại Việt Nam.

Thực tế, sau hơn 20 năm quá trình nội địa hóa xe ô tô tại Việt Nam đến nay không thành công, điều này khiến Việt Nam mỗi năm phải chi hàng tỷ USD để nhập các linh kiện, bộ linh kiện ô tô về nước để đáp ứng việc sản xuất, lắp ráp xe hơi.

Chính vì phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, các bộ linh kiện đã khiến năng lực cạnh tranh của ngành ô tô Việt kém xa so với Thái Lan. Theo báo cáo của nhóm công tác về thị trường ô tô xe máy tại Việt Nam thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam cao hơn 20% so với Thái Lan.

Điều này làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của xe hơi tại Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu với xe hơi từ ASEAN.

Sau nhiều năm kế hoạch nội địa hóa xe hơi được giao cho các liên doanh, tỷ lệ nội địa hóa xe hơi tại Việt Nam trên thực tế không được công bố. Các hãng xe đều không tiết lộ điều này, thậm chí có hãng khẳng định 100% chiếc xe nhập linh kiện từ nước ngoài, chỉ lắp ráp tại Việt Nam rồi làm thương mại. 

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm