1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nợ xấu ngày càng gia tăng, ông lớn xây dựng Coteccons xử lý sao?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Coteccons có gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối niên độ 2024. Lãnh đạo công ty cho biết có thể thu hồi khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2025, thiết lập các cơ chế kiểm soát nợ xấu mạnh mẽ hơn.

Kiểm soát nợ xấu

Sáng nay (19/10), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (niên độ 1/7/2024 - 30/6/2025).

Một vấn đề tại Coteccons được quan tâm gần đây là nợ xấu ngày càng gia tăng, công ty phải trích lập dự phòng lớn. Tại ngày 30/6, Coteccons có gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 669 tỷ đồng trong một năm.

Phần lớn nợ xấu đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (thuộc Bitexco, chủ đầu tư siêu dự án đối diện chợ Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers).

Vì vậy, Coteccons phải trích lập dự phòng hơn 1.355 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ xấu.

Nợ xấu ngày càng gia tăng, ông lớn xây dựng Coteccons xử lý sao? - 1

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons - thừa nhận mục tiêu kinh doanh năm 2025 đầy thách thức, tham vọng (Ảnh: CTD).

Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hải - Phó tổng giám đốc Coteccons phụ trách khối thương mại - thừa nhận việc trích lập dự phòng diễn ra trong 2-3 năm vừa qua, xuất phát từ những dự án dính nợ xấu trước đó, công ty chỉ hoàn thành việc trích lập dự phòng.

Ông Hải thừa nhận con số này có khả năng gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh nhưng công ty đã có phương án dự phòng để không bị ảnh hưởng.

Năm 2025, doanh nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn thu hồi công nợ. Mục tiêu là không tăng giá trị trích lập dự phòng, không tăng nợ xấu. Dự kiến, công ty có thể thu hồi được khoảng 100 tỷ đồng trong năm này từ khoản nợ đã trích lập trước đó. Ngoài ra, công ty sẽ thiết lập một số cơ chế mạnh mẽ hơn về quản lý rủi ro, phân tích khách hàng... để giảm thiểu rủi ro nợ xấu.

Nói về kế hoạch kinh doanh, ông Hải nói năm 2024, Coteccons đạt doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng hơn 30% và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Giá trị backlog (giá trị hợp đồng chuyển tiếp) cho năm 2025 là 20.000 tỷ đồng.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng kép 20-30%/năm trong 4-5 năm tới. Riêng năm 2025, doanh thu kế hoạch 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 39% so với thực hiện năm trước. Giá trị hợp đồng ký mới hơn 28.000 tỷ đồng.

Ông Hải thông tin quý đầu niên độ 2025, doanh thu đạt 4.708 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hợp đồng ký mới hơn 8.500 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng đang tham gia đấu thầu hơn 16.000 tỷ đồng. "Cơ hội trong năm 2025 rất lớn", ông Hải nói.

Đa dạng hóa doanh thu, tiến ra nước ngoài

Phó tổng giám đốc Coteccons Trần Ngọc Hải cho biết ngoài tập trung vào công nghiệp, Coteccons sẽ cân bằng các mảng khác nên bắt buộc đa dạng hóa, đưa doanh thu đến từ nhiều nguồn khác như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư ra nước ngoài.

Về cơ sở hạ tầng, Chính phủ đang tập trung thực thi nhiều dự án đầu tư công. Đại diện Cotecccons cho biết sẽ tìm hiểu cơ hội xây dựng tại các dự án, mở rộng quan hệ với các cơ quan ban, ngành. Ông Hải kỳ vọng mảng hạ tầng sẽ mang lại doanh thu lớn trong các năm tới.

Với thị trường nước ngoài, công ty đang tham gia đầu tư với 2 phương án. Thứ nhất, công ty sẽ theo khách hàng ở Việt Nam muốn mang dự án ra nước ngoài. Thứ 2, công ty sẽ tìm kiếm thị trường tiềm năng, liên kết liên doanh với công ty địa phương ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận công ty Việt ra nước ngoài gặp khó về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa. Để ra nước ngoài, Coteccons phải mất 1-3 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng đây là định hướng đúng, đang xây nền móng cơ bản để bước vào thị trường nước ngoài với tiêu chí chắc chắn, an toàn, chậm nhưng chắc.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons - thừa nhận mục tiêu kinh doanh năm 2025 là đầy thách thức, tham vọng. Công ty đã đạt mức tăng trưởng kép 30%/năm trong 3 năm gần đây và làm sao để 4-5 năm nữa vẫn giữ vững nhịp tăng trưởng này?

Ông Bolat cho rằng một trong những kế hoạch trọng tâm là đa dạng hạng mục kinh doanh, tạo sức chống chịu tốt hơn với khủng hoảng thị trường và thách thức của kinh tế thế giới. Trong ngắn hạn, Coteccons chưa phát hành thêm trái phiếu.

Một điểm đáng chú ý tại họp đại hội lần này là Coteccons thay đổi tờ trình, từ không chia cổ tức thành chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền. Lần đầu tiên sau 4 năm (từ 2020), sau giai đoạn chuyển giao ban lãnh đạo cấp cao, Coteccons mới chia cổ tức. Ông Bolat giải thích đây là thời điểm phù hợp để triển khai nhằm thực hiện quyền lợi cổ đông.