Niềm vui 60 tỷ USD: Việt Nam được bao nhiêu?

Việt Nam - Trung Quốc vừa cam kết nâng mức kim ngạch buôn bán hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, nghịch lý là kim ngạch càng tăng thâm hụt của Việt Nam càng lún sâu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trong quan hệ thương mại với toàn cầu của Việt Nam, chưa thị trường nào có kim ngạch hai chiều tăng mạnh như thế.

Lần thứ nhất, năm 2000, hai nước Việt - Trung đặt mốc kim ngạch 2 tỷ USD, nhưng ngay năm ấy mậu dịch song phương đã đạt 2,5 tỷ USD.

Lần thứ hai, mục tiêu được nâng lên 5 tỷ USD vào năm 2005, nhưng ngay 2004 đã đạt 7,2 tỷ USD. Cũng từ đây, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - chiếm 14.8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Mức này được nâng lên 20 tỷ USD vào năm 2010, nhưng năm 2008 đã đạt 20,18. Đây là lần vượt thứ ba.

Do sự phát triển mạnh mẽ đó, hai bên ký cam kết tới năm 2015 nâng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 60 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch càng tăng thâm hụt của Việt Nam càng lún sâu.

Nói Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thực ra đây là “lò” nhập khẩu số một của Việt Nam và cũng là thị trường ta nhập siêu nhiều nhất. Điều đáng quan tâm là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đứng thứ tư, sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. 10 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng gần 55% xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ (cùng thời điểm).
 
Trung Quốc mua gạo của Việt Nam. Họ nhập mủ cao su để bán lại cho ta săm lốp. Họ mua than, mua quặng của ta để rồi ta lại sang đấy tải sắt thép về.

Trung Quốc đầu tư vào các mỏ, đưa quặng giá rẻ về nước; đầu tư vào các dự án điện, chủ yếu là thủy điện nhỏ và vừa; vào sản xuất linh kiện ô tô, lắp ráp xe máy, chế biến thức ăn gia súc... Nhưng, cùng với đó, các doanh nghiệp bạn lại đưa vào máy móc kỹ nghệ thấp, thải loại gây ô nhiễm môi trường và kèm theo đó là hàng nghìn lao động vào nước ta.

Còn nhập khẩu, nhập siêu của Việt Nam lớn nhất từ Trung Quốc, lớn hơn từ tất cả các thị trường, với tốc độ “phi mã”. Năm 2001, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 200 triệu USD, 10 tháng năm 2013 lên 19,7 tỷ USD, gấp 98 lần.

Chính vì thế mà ra ngõ gặp... hàng Tàu, cần bao nhiêu cũng có, từ thượng vàng hạ cám: loại không cần mác như hóa chất tăng trọng, gia vị siêu tốc, chất bảo quản siêu hạn, rồi thủ thuật hô biến hàng Tàu thành hàng ta... Nhiều thiết bị điện tử, mỹ phẩm, may mặc và hàng tiêu dùng khác có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được Việt hóa. Việc hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện kém chất lượng, chứa chất độc hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe đã được cảnh báo nhưng đến nay nhiều tiểu thương, người tiêu dùng vẫn chưa giác ngộ.

Đến nay, có tới hơn 40 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, với kim ngạch đáng kể. Trong đó, có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD/nhóm hàng.

Trong khi đó, các gian hàng Việt Nam tham gia triển lãm tại Trung Quốc lọt thỏm trong mênh mông hội chợ của họ. Ngược lại, chỉ cần các doanh nghiệp từ một tỉnh của họ cũng đủ bày biện hoành tráng ngay tại nhiều hội chợ ở các thành phố lớn.

Để thúc đẩy nhanh việc thực hiện cam kết 60 tỷ trên, hai bên mới ký các hiệp định về việc thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại mỗi nước; bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung; bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam. Nhưng trong cuộc chơi này, họ đang tận dụng hết thảy mọi lợi thế, còn ở chiều ngược lại với ta dường như còn chậm chạp.

Tựu chung, nếu chiêm nghiệm qua năm các năm 2011, 2012 và 10 tháng năm 2013, tỷ lệ tương quan thương mại Việt Nam/Trung Quốc bình quân là 1/2,5 ước đoán trong gói cam kết 60 tỷ USD, phần Việt Nam đạt 17-18 tỷ USD là “kịch kim đồng hồ”, còn lại thuộc về bạn.

Biết vậy, nhưng hội nhập là cuộc chơi toàn cầu, giao thương thế giới là tất yếu.

Theo Nguyễn Duy Nghĩa
Vietnamnet
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước