Niềm tin vào ổn định chính trị và con người Việt Nam là động lực hút FDI

Thế Hưng

(Dân trí) - Bên cạnh những hỗ trợ về chính sách với các doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, niềm tin của các doanh nghiệp FDI chính là sự ổn định chính trị và con người Việt Nam.

Niềm tin vào sự ổn định chính trị và con người

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời một số nội dung liên quan tới động lực thu hút FDI trong bối cảnh hiện tại.

Theo đó, Thủ tướng khẳng định, nước ta lấy nguồn lực bên trong là chiến lược quyết định, còn nguồn lực bên ngoài làm đột phá. Với các doanh nghiệp FDI, sự đột phá nằm ở vốn, công nghệ, quản lý và nâng cao đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Niềm tin vào ổn định chính trị và con người Việt Nam là động lực hút FDI - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của đại biểu trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 12/11 (Ảnh: Quốc Chính).

Qua chuyến làm việc với các nước, Thủ tướng rút ra bài học, để tạo đột phá cho FDI, ngoài hành lang pháp lý và các chính sách, phải xem xét động cơ nào các FDI tham gia vào Việt Nam để khai thác. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra 2 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là ổn định chính trị. Chính trị ổn định để FDI an tâm đầu tư lâu dài.

Lấy ví dụ trong chuyến làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Ngân hàng Standard Chartered cam kết đầu tư 8 tỷ USD chống biến đổi khí hậu trong 5 năm tới. Vì sao họ có niềm tin này và sẵn sàng đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, đó chính là sự ổn định chính trị.

Nguyên nhân thứ 2, theo người đứng đầu Chính phủ, là con người Việt Nam. Bởi ngoài sự cần cù lao động, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì con người Việt Nam rất linh hoạt sáng tạo.

"Vừa qua, chủ trương của chúng ta lấy con người làm chủ thể, làm trung tâm cho sự phát triển rất được hoan nghênh", Thủ tướng thông tin và giải thích chủ trương trên nhận được sự hoan nghênh là vì Việt Nam đề cao chủ thể con người và không hi sinh mục tiêu công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Kinh tế xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 8,7%. Tỷ giá, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối được củng cố. Xuất khẩu tháng 10 tăng 6,4% và xuất siêu 2,85 tỷ USD; ước 10 tháng xuất siêu 160 triệu USD.

Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi khá nhanh. Nhiều địa phương nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong phục hồi, phát triển KTXH gắn với kiểm soát dịch bệnh .

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải...

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...

Do đó, trong những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa. Chính phủ cũng nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.