1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thảo luận Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi:

Bán hàng lưu động tràn về lừa đảo người dân, đại biểu đề xuất hướng xử lý

Trần Kháng

(Dân trí) - Tán thành quy định phải thông báo với UBND cấp xã nhưng một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng lưu động và mức giá.

Xem xét quy định giá hàng 100.000 trở lên mới cần báo cáo chính quyền xã

Tại Điều 47 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, quy định trong trường hợp bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, có ít nhất một sản phẩm, hàng hóa có giá từ 100.000 đồng trở lên hoặc là tổng giá trị hàng hóa từ 10 triệu đồng trở lên phải thông báo với UBND cấp xã và UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tán thành với việc quy định của UBND cấp xã với việc quản lý các trường hợp bán hàng lưu động, nhất là trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ lừa đảo ở vùng nông thôn núp bóng bán hàng lưu động.  

Bán hàng lưu động tràn về lừa đảo người dân, đại biểu đề xuất hướng xử lý - 1

Đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên, theo bà, nếu quy định mức tiền 100.000 đồng thì có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của luật trong các năm tới. Sau 10 năm nữa, mức tiền 100.000 đồng có thể khác rất nhiều so với hiện nay. Do đó, bà kiến nghị mức tiền cụ thể nên giao Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với thực tế.

Về quy định tại Điều 47 dự thảo Luật này, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên được quy định tại Điều này trong việc nhận lại sản phẩm, hàng hóa do người tiêu dùng trả lại.

Đại biểu đề nghị, cần sửa lại quy định: "Nhận lại sản phẩm, hàng hóa do người tiêu dùng trả lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng với điều kiện sản phẩm, hàng hóa còn nguyên bao bì, nhãn hàng hóa, tem (nếu có) còn hạn sử dụng".

Quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa

Đóng góp thêm ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.

Bán hàng lưu động tràn về lừa đảo người dân, đại biểu đề xuất hướng xử lý - 2

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.

Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng.

Đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại Điều 40, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) cho biết, dự thảo luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu các tổ chức, cá nhân đó nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.

Ngoài ra, đề nghị cần quy định nguyên tắc ngay trong dự thảo luật về việc gỡ bỏ thông tin cảnh báo để đảm bảo tính hợp lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ giới hạn việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các hình thức bán hàng khác như bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục vẫn chưa đề cập. Trong khi đó, các giao dịch ngoài không gian mạng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong đời sống xã hội.

Đề nghị bổ sung trách nhiệm của bộ ngành

Góp ý tại thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi sáng 26/5, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa.

Bán hàng lưu động tràn về lừa đảo người dân, đại biểu đề xuất hướng xử lý - 3

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo ông Tám, trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

"Kẻ gian còn lập cả trang website giả mạo bác sĩ có tên tuổi để đánh lừa người dân khám bệnh và điều trị, mua sản phẩm", ông Tám nêu.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, giữa những bủa vây thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được. Nhiều người "tiền mất tật mang" vì những thông tin sai lệch.

"Mặc dù dự thảo luật có quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng trong đó có việc phải kiểm tra, lựa chọn tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ rõ ràng, tiêu thụ bền vững. Nhưng đứng trước tình trạng thông tin giả mạo, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu", ông Tám nêu. 

Ông Tám cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ ngành có thông tin liên quan, nhất là Bộ Thông tin truyền thông, nhất là việc ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông, xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.

Hàng hóa thì kiểm tra được, nhưng dịch vụ thì phải dùng mới biết tốt hay không

Góp ý về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nội dung quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế.

Bán hàng lưu động tràn về lừa đảo người dân, đại biểu đề xuất hướng xử lý - 4

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Quochoi.vn).

Bà Mẫn cho biết, đối với hàng hóa, sản phẩm có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Đối với hàng hóa, sản phẩm có thể lựa chọn nguồn gốc xuất xứ theo nhãn mác giấy chứng nhận nhưng đối với dịch vụ không thể không xác định theo tiêu chí nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm tra và lựa chọn trước khi nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như dự thảo đang quy định, nghĩa là nghĩa vụ người tiêu dùng.

Cũng theo bà Mẫn, trên thực tế, việc kiểm tra, lựa chọn và quyết định mua sản phẩm, hàng hóa và quyết định sử dụng dịch vụ được người tiêu dùng luôn thực hiện một cách tự nhiên nhất để đáp ứng với nhu cầu, mong muốn của họ.

"Trong khi đó, chúng ta đều biết các quy định được xây dựng trong dự thảo luật này là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khiếm khuyết không đảm bảo chất lượng. Vậy, trách nhiệm trước tiên là của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ra xã hội phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định", bà Mẫn nêu. 

Về việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ, vì vậy, bà Mẫn đề nghị xem xét bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều 5.