Từ vụ ngộ độc botulinum, đại biểu nêu thứ mà các bệnh viện nơm nớp lo sợ
(Dân trí) - Đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ, sinh mạng người dân không đợi quy trình. Bà dẫn chứng cả nỗi sợ của bệnh viện, từ vụ ngộ độc botulinum.
Thảo luận tại tổ TPHCM sáng nay (25/5), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã nêu nhiều vấn đề tồn tại trong ngành y tế. Đơn cử như việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là chương trình đặc biệt cần thiết với những bệnh bắt buộc phải có vaccine. Năm 2014, nhiều trẻ em tại Hà Nội đã bị tử vong trong dịch sởi. Báo cáo cho thấy tỷ lệ tiêm chủng hiện nay chưa đạt mục tiêu. Tại TPHCM, nguồn vaccine đã cạn kiệt.
"Mặc dù chúng ta có vaccine dịch vụ nhưng không phải ai cũng có điều kiện. Vậy người dân sẽ xử lý như thế nào, đặc biệt là những người lao động không có điều kiện?" đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu.
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ngoài chất lượng vaccine còn có vấn đề thời điểm tiêm chủng. Đối với một số bệnh, nếu tiêm chủng chậm, không đúng thời điểm thì vaccine không còn tác dụng. Cụ thể, đối với trường hợp trẻ nhỏ bị mắc bệnh mà có thể phòng được bằng chương trình tiêm chủng mở rộng thì đau xót tới chừng nào; thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ.
Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội này cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn từ ngân sách Trung ương về cho ngân sách địa phương nên Bộ Y tế đã giao cho Sở Y tế các tỉnh, thành xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng và báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí, tổ chức mua sắm vaccine.
"Tôi xin nói thẳng, hiện nay việc này có đùn đẩy trách nhiệm, cứ đẩy qua đẩy lại giữa Trung ương và địa phương. Trong khi, doanh nghiệp có hàng cung ứng nhưng không bán được, người dân lại không có vaccine để tiêm chủng cho con", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Theo đại biểu này, ngân sách nào cũng là của nhân dân, Bộ Y tế cứ đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ, ký hợp đồng với công ty. Trong lĩnh vực vaccine có rất ít nhà cung cấp nên hoàn toàn đáp ứng với các hình thức như đàm phán giá, đấu thầu quốc gia. Nếu xé các gói thầu, không phải địa phương nào cũng có thời gian, tiền bạc để xử lý, mua sắm.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ sự hoan nghênh ý kiến chỉ đạo kịp thời của Chính phủ. Đặc biệt là mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, tổ chức việc đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung, không để thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo đại biểu, đây thực tế là vấn đề đơn giản song có hiện tượng đùn đẩy khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, người dân không có vaccine tiêm cho con em mình. "Bộ Y tế phải khẩn trương thực hiện và tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo nguồn vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà cũng đề cập tới vấn đề thuốc hiếm. Trong những ngày gần đây, thuốc hiếm là câu chuyện đang được quan tâm khi có các bệnh nhân tại TPHCM bị ngộ độc botulinum dẫn đến liệt cơ hoàn toàn, nguy cơ tử vong cao nhưng Việt Nam lại không có thuốc điều trị. Với những quy định hiện nay, các bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì không có thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, quy định hàng năm, các bệnh viện đều phải thống kê danh mục thuốc hiếm cần nhập để gửi lên Sở Y tế duyệt và trình Bộ Y tế để duyệt nhập thuốc hiếm về. Dù vậy năm nào cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc hiếm cho nên cần tính toán nhu cầu của cả nước rồi tính toán số lượng thuốc để nhập về dự trữ trước, tránh tình trạng khi có việc xảy ra lại thiếu thuốc.
Đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: "Sinh mạng người dân không đợi quy trình cho nên chúng ta không được quan liêu, phải làm cho tròn trách nhiệm của người thực thi công vụ".