Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương

Văn Hưng

(Dân trí) - Theo luật thì bia, rượu, ô tô hay xăng dầu đều xác định cần thu thuế tiêu thụ đặc biệt; có hạ được giá xăng không; Bộ trưởng Công Thương "kêu oan" là các phát ngôn, chi tiết ấn tượng tại nghị trường.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 1

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các thành viên Chính phủ được mời dự họp trả lời chất vấn cần thỏa đáng, không vòng vo, né tránh. "Các thành viên Chính phủ được mời dự họp cần căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất, thực trạng của tình hình, có câu trả lời, đáp án rõ ràng cả về trước mắt lẫn căn cơ lâu dài những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 2

Phiên chất vấn "nóng" ngay từ đầu với các câu hỏi liên quan tới điều hành giá xăng dầu. Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận. Ông đặt vấn đề liệu có tình trạng găm hàng từ trên, không đơn thuần chỉ từ các cửa hàng nhỏ lẻ hay không. "Tôi tìm hiểu, một số đại lý nói "không có xăng dầu lấy gì bán?", do nguồn cung từ các nhà điều hành ở cấp vĩ mô, họ không cung cấp xuống cho nên các đại lý không có xăng dầu để bán. Như vậy, phải chăng việc găm hàng từ ở tuyến vĩ mô chứ chưa phải là tuyến đại lý", ông Hòa nói.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 3

Khi bị đại biểu chất vấn về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng dù không phải trách nhiệm chính của Bộ Công Thương nhưng Bộ này đã "rất nỗ lực thông quan ở biên giới". Theo Bộ trưởng, xử lý vấn đề này cần sự vào cuộc của tất cả, từ bộ ngành, địa phương tới người dân. "Việc đặt ra ngành công thương cũng đang phải giải quyết nhưng thực sự chúng tôi cũng bị oan uổng", Bộ trưởng Diên nói.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 4

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt ra hai vấn đề liên quan tới xăng dầu, một là thời gian tới xăng dầu có giảm giá được không, hai là cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý. "Cử tri muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và việc thu thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường ra sao?", đại biểu đề nghị với câu hỏi này thì Bộ trưởng Tài chính cùng chia sẻ làm rõ.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 5

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu không hợp lý, thay vào đó nên tính toán giảm các loại thuế khác để đảm bảo lợi ích các bên.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 6

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trong bối cảnh tình hình rất căng thẳng, giá xăng dầu thế giới tăng cao, để xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, tôi đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 7

"Thuế tiêu thụ đặc biệt chúng ta quy định nhằm tiết kiệm trong vấn đề sử dụng xăng dầu, cũng như ô tô... Vậy các loại như bia, rượu, thuốc lá, ô tô, xăng dầu theo Luật Thuế đều xác định là thuế tiêu thụ đặc biệt và được quy định trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - 8

Kết thúc phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát. "Chính phủ đã chỉ đạo phải có đủ lượng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và đời sống, tới nay chúng ta khẳng định là có đủ. Thứ hai là giá cả vận hành theo thị trường nhưng có kiểm soát", Phó Thủ tướng nói.