1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Dư luận rất bức xúc vì không mua được xăng, liệu có găm hàng từ đầu mối?"

Nguyễn Mạnh Văn Hưng

(Dân trí) - Tranh luận trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 16/3, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề liệu có tình trạng găm hàng từ trên, không đơn thuần chỉ từ các cửa hàng nhỏ lẻ hay không.

Bộ trưởng khẳng định không lúc nào thiếu nguồn cung

Phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 16/3 "nóng" ngay từ đầu với những câu hỏi liên quan tới vấn đề nguồn cung, công tác điều hành giá xăng dầu. Đặt trong bối cảnh giá xăng dầu đã có những phiên tăng liên tiếp, xăng sắp chạm mốc 30.000 đồng/lít và hình ảnh người dân xếp hàng, mang can, chai, thùng phuy đi mua xăng, hình ảnh cây xăng bán nhỏ giọt, đóng cửa... thì không khó hiểu khi vấn đề trên được quan tâm. 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt vấn đề giá xăng dầu thế giới vừa qua tăng cao, trong nước thì lại thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất, phụ phí mỗi thùng nhập đều tăng rất mạnh nên các đầu mối giảm chiết khấu, thậm chí có thời điểm các cửa hàng chỉ nhận chiết khấu 0%. Điều này dẫn đến xảy ra tình trạng hết xăng, găm hàng, chờ tăng giá, thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng đến người dân, theo đại biểu. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40-60%.

Dư luận rất bức xúc vì không mua được xăng, liệu có găm hàng từ đầu mối? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu (Ảnh: Quốc Chính).

Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng, thị trường nội địa lại gặp những khó khăn do đứt gãy nguồn cung ở nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhà máy này giảm công suất mà theo Bộ trưởng, là giảm một cách đột ngột, từ 100% công suất xuống có lúc chỉ 55%, cao nhất cũng chỉ lên được 80%.

Bộ trưởng cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Tới giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng tới hết tháng 3. Tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1,2 triệu m3.

"Như vậy về nguồn cung tôi khẳng định không lúc nào thiếu. Về giá thì đã điều hành đúng quy định, 10 ngày 1 lần, bám sát biên độ giá thế giới. Giá chúng ta thấp hơn giá thế giới", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra được 16.800 trên tổng hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ. "Tổng số vi phạm rất ít, chỉ có 211 trường hợp. Có rất nhiều lý do dừng trong thời gian vừa rồi, có lý do sửa chữa, báo cáo trước cơ quan chức năng, cũng có cây xăng găm hàng chờ tăng giá. Có cửa hàng dừng do thiếu nguồn cung. Số này do nhận xăng dầu từ nhà máy Nghi Sơn nhưng nhà máy dừng đột ngột thì không thể có ngay", Bộ trưởng thông tin.

Cửa hàng bán lẻ không có xăng, liệu có do găm hàng từ đầu mối, phân phối?

Đại biểu Trần Lân Sáu (tỉnh Đồng Tháp) nêu thực trạng giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3 so với đầu năm nay biến động tăng 44,01-60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành những ngày này so với đầu năm nay chỉ tăng 24,91-39,56%.

"Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn và thiệt hại đó do ai gánh chịu?", đại biểu tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải mức tăng thấp hơn của giá xăng dầu trong nước nhờ vào việc liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu không trích 500-1.500 đồng/lít từ quỹ bình ổn xăng dầu ở mỗi kỳ điều hành, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới.

"Việc duy trì quỹ bình ổn là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, quỹ bình ổn cũng chỉ có hạn. Thực tế đến nay, số dư quỹ bình ổn cũng chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng, trong khi đó có những doanh nghiệp nhập khẩu lớn đang âm quỹ nặng, phải đợi đến khi giá xăng dầu xuống để thực hiện trích lập", Bộ trưởng nói.

Trước tình trạng quỹ bình ổn còn ít, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có đề xuất với Chính phủ về việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu cấu thành giá xăng. Nếu giá thế giới tiếp tục leo thang, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác.

Giành quyền tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết đã nghe Bộ trưởng trả lời các đại biểu trước. Tuy nhiên, ông Hòa băn khoăn vì không chỉ các đại lý bán lẻ "găm hàng" mà lo ngại có tình trạng này từ "phía trên".

"Tôi tìm hiểu, một số đại lý nói "không có xăng dầu lấy gì bán?". Họ nói không được cung cấp nên không có gì bán, dư luận rất bức xúc khi đến cửa hàng không mua được xăng, đại biểu đặt vấn đề liệu có "găm hàng" từ phân phối, đầu mối.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do có nguồn hàng từ nhà máy Nghi Sơn nhưng do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng.

"Cũng chỉ gián đoạn mất vài ngày, Bộ đã chỉ đạo kịp thời đã chia sẻ nguồn, sau một vài ngày là khắc phục", Bộ trưởng khẳng định.

Về lo ngại găm hàng từ đầu mối, Bộ trưởng cho biết vừa qua đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu nhưng theo Bộ trưởng, vì chưa có dư liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể. "Song nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng khẳng định.