1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những người đứng sau các giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk

Tâm Nguyễn Trường Thịnh

(Dân trí) - Từ sự hợp tác công tư giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, những giống cà phê cho năng suất cao, có khả năng chống sâu bệnh… đã ra đời, giúp người trồng cà phê ở Đắk Lắk và nhiều tỉnh Tây Nguyên hưởng lợi.

Cà phê Robusta lập kỷ lục về giá, nông dân Việt Nam hưởng lợi

Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,12 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 4,37 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm 10,5% về khối lượng nhưng tăng 39,6% về giá trị. Đây là một kỷ lục mới của Việt Nam, đất nước xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới.

Những người đứng sau các giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk - 1

Việt Nam là đất nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới (Ảnh: Nestlé).

Các nhà xuất khẩu cà phê cho biết, nhu cầu sử dụng hạt cà phê Robusta trên thế giới đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại giảm khiến giá cà phê này liên tục tăng mạnh lên mức kỷ lục. Trong khi đó, đây là loại cà phê chủ lực của Việt Nam khi chiếm tới 94% diện tích vùng trồng.

Chị Mai Thị Nhung, một nông dân có 2ha trồng cà phê tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá cà phê nhân những ngày đầu tháng 10 dao động quanh mức 115.000 - 123.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao nên bà con đang trông ngóng đến ngày thu hoạch. Dự kiến tháng 11, nông dân trồng cà phê thu hoạch vụ cà phê năm 2024.

Những người đứng sau các giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk - 2

Giá cà phê đang ở mức rất tốt, là tin vui với người trồng cà phê (Ảnh: Nestlé).

Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất cà phê vối đứng đầu thế giới về sản lượng, năng suất và chất lượng.

Như tại Đắk Lắk, thủ phủ trồng cà phê của Việt Nam, tổng diện tích canh tác hiện đạt 213.000ha với sản lượng 535.000 tấn/năm.

"Năng suất bình quân của nông dân trồng cà phê đã tăng từ 2,4 tấn/ha trước đây lên mức 2,8 tấn/ha", ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết.

"Một trong những lý do giúp cà phê vối Việt Nam đạt được vị thế số 1 là nhờ có giống tốt. Ước tính đã có 30% - 35% diện tích trồng cà phê của cả nước đã sử dụng các giống mới", Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Trưởng Phòng Kế hoạch Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đánh giá.

Những người đứng sau các giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk - 3

Ông Nguyễn Hắc Hiển cho biết năng suất bình quân của nông dân trồng cà phê đã tăng (Ảnh: Nestlé).

Theo thống kê của WASI, hiện tại có nhiều giống cà phê vối do Viện nghiên cứu, chọn tạo, cung cấp ra thị trường như dòng vô tính TR4, TR9, TR11 hay giống vối lai TNS1 với các đặc tính tiêu biểu là năng suất cao, chất lượng hạt tốt, khả năng chống chịu với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh hại… đang được bà con nông dân ưa chuộng. Trong đó, giống TRS1, đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức từ năm 2015, được trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.

Thành quả hợp tác công tư

Thạc sĩ Đinh Thị Tiểu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp, WASI cho biết, nhiều giống cà phê mới đang làm nên chất lượng, sản lượng cho ngành cà phê Việt Nam là thành quả hợp tác của WASI, Nestlé Việt Nam.

Theo đó, từ 2005, Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho WASI và đến 2011, hai bên chính thức ký ghi nhớ hợp tác, duy trì cho đến hiện tại. "WASI có nhân lực, cơ sở hạ tầng để thực hiện nghiên cứu, tuyển chọn giống. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện thì cần hỗ trợ nhà nước và các kênh khác. Thông qua chương trình hợp tác, Nestlé tài trợ cả về cơ sở vật chất, máy móc, nguồn nhân lực, kinh phí hàng năm. Hiếm có chương trình nào thực hiện liên tục như vậy để nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá trên đồng ruộng", bà Tiểu Oanh cho biết.

Những người đứng sau các giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk - 4

Thạc sĩ Tiểu Oanh cho biết hợp tác với Nestlé giúp WASI có được những cây giống có nguồn gen quý để phục vụ nghiên cứu, phát triển tiếp (Ảnh: Nestlé).

Đặc biệt nhất của chương trình hợp tác, theo bà Tiểu Oanh, là thông qua hợp tác với Nestlé, Viện nghiên cứu và phát triển Tours (Pháp) đã tài trợ cho WASI giống cà phê quý từ nước ngoài về để WASI có nguồn vật liệu, gen để lai tạo, tạo ra nhiều giống mới hơn. Đây là việc cực kỳ có giá trị bởi trước đây, những giống WASI đã chọn lọc là vật liệu trong nước, tại chỗ có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng những đặc tính về chống chịu thời tiết khắc nghiệt còn hạn chế.

"Nhờ hợp tác với Nestlé, chúng tôi đã có được những cây giống có nguồn gen quý, giúp Viện có nguồn vật liệu để nghiên cứu, phát triển tiếp, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu của Việt Nam. Đó là vừa chất lượng, năng suất và chống chịu khí hậu. Nếu không đáp ứng được những yếu tố này, bà con cũng sẽ không chọn", bà Oanh chia sẻ.

Người đứng sau giống cây cà phê Robusta hàng đầu thế giới ở Đăk Lăk.

Cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của chương trình NESCAFÉ Plan tại tỉnh Đăk Lăk, anh Nguyễn Hữu Thông cho biết, một trong những mục đích mà Nestlé Việt Nam khi thực hiện chương trình là giúp người nông dân mua được giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công nhận. Vì vậy, chương trình hợp tác với WASI để tạo ra những giống tốt, đồng thời tài trợ một phần tiền mua cây giống để bà con nông dân mua ở đúng nơi, thay vì tài trợ toàn bộ như nhiều nước nhưng cuối cùng hiệu quả thực sự lại không cao.

Các mức hỗ trợ thay đổi theo từng giai đoạn. Từ năm 2011 đến 2015, chương trình hỗ trợ 50% giá cây giống; từ 2016 - 2017 hỗ trợ 1.500 đồng/cây và từ năm 2018 đến nay, mức hỗ trợ là 1.000 đồng/cây, chi trả trực tiếp trên từng đăng ký mua cây giống, có xác nhận của chính quyền địa phương. Do vậy, chương trình theo dõi được đường đi của cây giống, truy xuất được nguồn gốc cây của từng vườn.

Ở thời điểm hiện tại, theo đại diện WASI, đơn vị này nghiên cứu thêm một số giống có nhiều đặc tính ưu việt khác như giống kháng tuyến trùng, một loại vi sinh vật có trong đất, tấn công vào rễ cây cà phê. Bên cạnh đó là giống chống hạn để gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cây cà phê.

"Nếu suôn sẻ thì khoảng 5 năm nữa, giống cà phê này có thể được cơ quan quản lý công nhận và ra thị trường sau khi đáp ứng tất cả quy trình", bà Oanh kỳ vọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm