Những cái “nhất” trong tòa nhà thông minh số 1 Việt Nam

Sở hữu kiến trúc “độc”, hệ kết cấu “có 1 không 2”, vận hành bằng phần mềm thông minh… tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng được xem là thông minh nhất Việt Nam sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 10/2013.

Những “bí mật” chưa từng công bố vừa được ông Nguyễn Hoàng Long, Chỉ huy phó công trình Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng tiết lộ.

 

Những cái “nhất” trong tòa nhà thông minh số 1 Việt Nam
Khi được đưa vào sử dụng, tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng sẽ là công trình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam

 

Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 3/2012 và dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 10/2013 với tổng dự toán 1.731 tỷ đồng. Tòa nhà sở hữu kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng về một ngọn hải đăng “dẫn đường”, trên nền phần đế là hình dáng chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra biển lớn. Ý tưởng thể hiện khát vọng vươn xa của một thành phố Đà Nẵng trẻ trung đầy sức sống.

 

Tòa nhà có 34 tầng, 2 tầng hầm diện tích 16.205 m2 cùng tổng diện tích sàn lên đến 64.108 m2. Với diện tích này, tòa nhà có thể đáp ứng nhu cầu làm việc của tất cả các cơ quan công quyền thành phố Đà Nẵng với số người làm việc tại đây lên đến 1.500 người. “Một con số chưa từng có của một tòa nhà làm việc”, ông Long chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Chỉ huy phó Công trình cho biết thêm: “Với ý tưởng đó, tòa nhà sở hữu hệ kết cấu độc đáo nhất từ trước đến nay. Đó là hệ thống lõi cứng thang máy hình tròn có đường kính lên đến 19,2m chưa từng có ở Việt Nam cùng sức chứa 12 thang máy đi từ tầng hầm lên đến tầng thượng.

 

Công trình được đánh giá là có 1 không 2 ở Việt
Công trình được đánh giá là "có 1 không 2" ở Việt Nam  và là tòa nhà cao nhất miền Trung

 

Bên cạnh đó, diện tích sàn tòa nhà hình tròn dao động từ 700-1.400m2, thay đổi theo từng tầng từ nhỏ đến to dần rồi lại nhỏ dần khi lên cao kéo theo kết cấu hệ cột của tòa nhà cũng thuộc diện “chưa từng có” khi đường kính cột có nơi lên đến 1,4m và độ nghiêng thay đổi theo chiều cao.

 

Để đáp ứng yêu cầu kết cấu khác biệt đó, công nghệ thi công đối với tòa nhà cũng thuộc diện “có 1 không 2” ở Việt Nam. Đó là công nghệ cốp pha PERI tiên tiến, hệ ván khuôn bay áp dụng cho hệ sàn và cốp pha leo tự hành đối với lõi thang máy. Công nghệ này ở Việt Nam chỉ có 2 công trình sử dụng là Keangnam (Hà Nội, 72 tầng) và Bitexco Financial Tower (TP.HCM, 68 tầng) giúp thời gian thi công rút ngắn còn 4,5-5 ngày/sàn.

 

Không chỉ vậy, công trình còn sử dụng thiết bị cần trung chuyển bê tông (Placeing boom) điều khiển từ xa giúp đẩy nhanh tốc độ đổ bê tông lên đến 40m3/h và giảm số lượng công nhân có mặt trên công trường xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, do yêu cầu của công trình, có thời điểm tại đây tập trung gần 700 công nhân và 95 kỹ sư giám sát cũng là con số khiến các công trình dân dụng phải choáng ngợp.

 

Công trình có hệ kết cấu và công nghệ thi công chưa từng có ở Việt
Công trình có hệ kết cấu và công nghệ thi công chưa từng có ở Việt Nam 

 

Hơn 22.000m3 bê tông, 6.000 tấn thép đã được sử dụng. Và đặc biệt là sở hữu hệ kết cấu thép vượt khẩu độ lên đến 32m với tổng khối lượng lên đến hơn 600 tấn ống thép có đường kình từ 215-700mm ở tầng 5 và tầng 34 của tòa nhà.

 

Điểm khác biệt nữa là toàn bộ thiết bị sử dụng trong toà nhà đều là thiết bị thông minh, đảm bảo yêu cầu môi trường, tiết kiệm năng lượng và được sản xuất sau năm 2010.

 

Tạo nên sự khác biệt trong kiến trúc của tòa nhà là hệ kết cấu kính bao che hơn 20.400m2 được phủ lớp Lowe có khả năng chống hấp thu nhiệt cho công trình và tiết kiệm năng lượng cho công trình có giá trị lên đến hơn 730 tỷ.

 

Hệ kết cấu thép vượt khẩu độ tạo hình dáng chiếc thuyền vươn ra biển độc đáo
Hệ kết cấu thép vượt khẩu độ tạo hình dáng chiếc thuyền vươn ra biển độc đáo

 

Ông Long cho biết: “Toàn bộ hoạt động của tòa nhà sẽ được điều khiển và quản lý bằng hệ thống điều khiển trung tâm. Mọi tương tác của cơ quan công quyền và người dân đều được quản lý và vận hành bởi phần mềm thông minh. Khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này sẽ là công trình độc đáo nhất Việt Nam cả về thiết kế kiến trúc, công năng sử dụng và kỹ thuật thi công".

 

"Có thể nói, đây là tòa nhà thông minh nhất Việt Nam với hệ thống điều khiển, công nghệ và quản lý. Một điều thú vị nữa ở công trình này là chúng ta có thể nâng cấp hệ thống thiết bị điều khiển như nâng cấp máy tính. Chỉ cần “rút” thiết bị lỗi thời ra thay vào bằng thiết bị tiên tiến hơn mà không phải đụng đến hệ kết cấu công trình”, ông Long khẳng định.

 

Theo Bửu Lân
VTCNews