1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Những cái bẫy trong mua bán qua mạng

Một lực cản lớn khiến cho thương mại điện tử Việt Nam còn chưa phát triển mạnh mẽ, đó là niềm tin của khách hàng đối với hoạt động này.

Sự tồn tại những cái bẫy trên thị trường mua bán qua mạng khiến không ít cá nhân, tổ chức coi thương mại điện tử là “thánh địa” của bọn lừa đảo. Loạt bài này sẽ giúp bạn đọc hình dung được một phần những gì đang diễn ra trên thị trường ảo, từ đó quyết định lựa chọn đúng đắn bạn hàng.
 
Những cái bẫy trong mua bán qua mạng
(Ảnh minh họa)
 
Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ của khách hàng, nhiều kẻ đã đưa ra những lời mời chào hấp dẫn để rồi cuối cùng, sau khi nếm trái đắng, người khách đó không còn đủ dũng cảm để thử giao dịch qua mạng đến lần thứ 2.

Các diễn đàn trên mạng thời gian qua đã truyền nhau những vụ lừa đảo liên quan đến mua bán trực tuyến nghe như chuyện bịa. Chị Dương TN (An Giang) đọc thấy trên website www.didongsaigon... tại 700 Lạc Long Quân (P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM) giảm giá 50% chiếc điện thoại Nokia X6, chị liền đặt mua.

Chị được một người đàn ông tên Khoa hướng dẫn qua số điện thoại hiển thị trên trang web gửi tiền vào tài khoản ngân hàng Vietcombank, ngay hôm sau sẽ có người đem điện thoại tới. Nhưng tiền gửi đi mà mấy ngày sau hàng chưa tới, gọi điện thì không gặp người đàn ông tên Khoa. Bức xúc, chị phàn nàn với một người bán hàng của website và nhận được câu thừa nhận: “lừa đảo đó”. Chị liền gọi điện tới Ngân hàng Vietcombank yêu cầu phong tỏa tài khoản thì được đề nghị trình báo với công an, nhưng thấy mọi việc phức tạp chị đành cho qua.

Qua kiểm tra của chúng tôi, trang mạng này vẫn hoạt động cho đến trung tuần tháng 12, sau khi cộng đồng mạng ầm ĩ về việc trang này lừa đảo, bán hàng tàu, địa chỉ giao dịch không rõ ràng… thì website trên mới không truy cập được.

Mua bán trên mạng là hình thức được nhiều người, nhất là dân văn phòng và những người không có nhiều thời gian đi lại, lựa chọn. Chỉ cần đăng ký một tài khoản trên các trang như muare, rongbay, enbac…, ngay lập tức người bán có cơ hội tiếp xúc với hàng triệu khách hàng.

Chị Hương, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, than vãn, chị và các đồng nghiệp là khách quen của các gian hàng này, với các sản phẩm thường dùng là hạt hướng dương Nga hay tất trẻ em. Tuy nhiên, một “cú” “đậu cành cong” đã khiến chị Hương sợ mua bán qua mạng. Một lần, nghe lời quảng cáo sản phẩm L'Occitane (thương hiệu mỹ phẩm của Pháp) với giá rẻ hơn giá tại Parkson cả chục USD, người bán ở TP. Hồ Chí Minh, lại thấy có nhiều phản hồi phía dưới chất lượng tốt, tôi đặt mua liền một lúc cả bộ chăm sóc da với giá gần 300 USD. Mặc dù rẻ hơn hàng chính hãng nhưng khi hàng được giao đến thì… toàn hàng nhái. Tiền gửi đi rồi, người bán lại tận TP.HCM, nên chị Hương đành ngậm ngùi mất tiền coi như là học phí của tín đồ shopping trên mạng. 

Một tín đồ khác là anh Nguyễn Văn (Hà Nội) cũng “thề” không bao giờ mua hàng qua mạng tận tp.HCM, bởi đã đặt cọc 5 triệu mua chiếc iPad 32Gb đã qua sử dụng với giá 11 triệu đồng của một người bán tại tp.HCM, nhưng tiền đi mà tin tức của người bán thì biền biệt. Gọi đến số điện thoại được cung cấp, máy ngoài vùng phủ sóng. Nhờ người thân đến kiểm tra địa chỉ, không có người như anh đã giao dịch sống tại địa chỉ đó.  Biết mình bị lừa, anh đành ấm ức mất luôn 5 triệu đồng.

Anh Hoàng Tuấn, sinh viên  ĐH  Xây dựng Hà Nội, cho biết, sau khi liên hệ với một người rao bán key phần mềm trên mạng để mua một key Window 7 và một key Kaspersky với giá 100 ngàn, anh nhận được mảnh giấy ghi vài dòng chữ với lời cam kết là key “xịn”. Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau khi cài, anh đã bị chặn. Bạn anh thì bị lời mời mua chiếc Nokia N95 8GB giá hơn 2 triệu hấp dẫn, đã bỏ tiền ra mua. Dù số IMEI trùng với thẻ bảo hành đi kèm, nhưng về nhà dùng một thời gian ngắn có trục trặc, anh đem đi sửa mới biết là hàng Tàu và thẻ bảo hành là thẻ giả.

Theo Bách Nguyễn
Pháp luật Việt Nam