Những bà mẹ bỉm sữa “hốt bạc” nhờ bán thực phẩm sạch

(Dân trí) - Chỉ vì nhu cầu mua thực phẩm sạch cho con của mình mà Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều mẹ bỉm sữa khởi nghiệp từ việc bán rau củ quả, trái cây, thịt cá…

Những bà mẹ bỉm sữa “hốt bạc” nhờ bán thực phẩm sạch - 1

Mẹ bỉm sữa Đỗ Phan Hoàng Sương dẫn 2 con của mình lên Shark Tank gọi vốn.

Con cái cần gì là kinh doanh thứ đó

Có lẽ chưa bao giờ phong trào startup lại bùng phát mạnh mẽ như hai năm trở lại đây. Hàng loạt chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ra đời như Vietnam Startup Wheel, Shark Tank Việt Nam, Zone Startups Việt Nam… khiến cho các bà mẹ bỉm sữa cũng nôn nóng ấp ủ những dự án của riêng mình.

Một năm qua, khán giả truyền hình nhiều lần chứng kiến những bà mẹ bỉm sữa không ngần ngại bồng con lên sân khấu gọi vốn cho dự án khởi nghiệp.

Sản phẩm của họ không “đao to búa lớn” hay mang ý nghĩa sâu xa là thay đổi cả cộng đồng mà đơn giản là xuất phát từ những ý tưởng rất thực tế xoay quay việc chăm sóc con, nuôi dạy con và nỗ lực tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch và an toàn nhất cho chính đứa con của mình.

Trong tháng 10/2019, khán giả của chương trình Shark Tank không khỏi bất ngờ khi chứng kiến chị Đỗ Phan Hoàng Sương mang hai con lên chương trình gọi vốn cho dự án Dalat Foodie.

 Chị Hoàng Sương cho biết, ý tưởng khởi nghiệp của chị xuất phát từ sự đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các “mẹ bỉm sữa” về sự an toàn, sức khỏe con cái kể từ khi còn trong bụng mẹ. 

 Năm 2015, nữ startup bắt đầu gây dựng công ty với tầm nhìn “vì tương lai trẻ em phát triển tự nhiên, khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ”. Hai thiên thần nhỏ chính là động lực khiến nữ startup khởi nghiệp và có mặt tại chương trình Shark Tank kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.

 Dự án của chị Sương là dự án cung cấp dòng rau củ quả tươi về chế biến và bán cho khách hàng theo mô hình “Farm to Table” (từ nông trại đến bàn ăn).

 Tính đến cuối tháng 3/2019, công ty của chị Sương đạt doanh thu 10,5 tỷ đồng, phục vụ được 15.449 khách hàng với lợi nhuận 460 triệu đồng (tổng lãi từ năm 2015 đến 2018). Mục tiêu trong 5 năm tới, startup sẽ chiếm 20% thị phần thực phẩm hữu cơ dành cho em bé. 

Những bà mẹ bỉm sữa “hốt bạc” nhờ bán thực phẩm sạch - 2

Kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng của nhiều bà mẹ khi bước vào thương trường.

Hay một dự án khác là “Thảo Organic” từng là nguồn cảm hứng của rất nhiều bà mẹ Việt. Một điều đặc biệt là ý tưởng dự án này được hình thành bởi một bà mẹ đang mang thai đứa con đầu lòng.

Những trăn trở của một người mẹ giàu tình yêu cho con đã thôi thúc chị Phạm Phương Thảo hay còn gọi là Thảo Organic khởi nghiệp theo hướng trồng và kinh doanh nông sản hữu cơ.

Thêm một dự án nữa cũng “nổi đình nổi đám” không kém trong giới khởi nghiệp về lĩnh vực thực phẩm sạch là Mia Fruit của “hotmom” Nguyễn Ngọc Huyền. Chị từng là “hotmom” trong cộng đồng nuôi con bằng sữa mẹ và cũng là người khởi xướng câu chuyện đầu tiên về “skin to skin” (da chạm da). 

Dự án của chị Nguyễn Ngọc Huyền xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm một nguồn trái cây sạch, ngon và đảm bảo chất lượng cho con nên mẹ bỉm sữa này đã quyết định thành lập một công ty khởi nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm trái cây tươi nhập khẩu.

 Kể về lý do khởi nghiệp, chị Ngọc Huyền chia sẻ, vào tháng 5/2013, chị nhận thấy khái niệm trái cây sạch hoàn toàn chưa hề có trên thị trường nhưng đó lại là sản phẩm mà bất cứ bà mẹ nào cũng khao khát, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ. 

Những bà mẹ bỉm sữa “hốt bạc” nhờ bán thực phẩm sạch - 3

Chị Nguyễn Ngọc Huyền, một trong những Startup nổi bật trong giới mẹ bỉm sữa thời gian qua.

 “Để chắc chắn rằng mọi nguồn hàng mình nhập đều sạch tuyệt đối, tôi sẵn sàng đến Nhật Bản, Đài Loan để tìm hiểu các nông trại, quy trình đóng gói, quy trình đấu giá và ăn thử để “test” sản phẩm. Nếu trái cây không sạch và chất lượng, người chịu hậu quả đầu tiên là tôi. Tôi cũng muốn quả xoài, thanh long, nhãn, chanh…của Việt Nam được nhiều người biết đến giống như khi nhắc đến Hàn Quốc là họ biết đến quả lê, nhắc đến Nhật Bản là quả hồng hay nhắc đến Đài Loan là quả na vậy”, nữ CEO bỉm sữa bộc bạch.

Chị Huyền cho rằng, muốn đổi mới và bứt phá, trước hết phải là người tiên phong. Ngay từ lúc khởi vào năm 2013 chị đã tìm cách khai phá những “ngách” riêng, chưa có người làm. 

Chị tiên phong bán trái cây nhập khẩu loại có chất lượng cao cấp nhất và cũng là thế hệ đi đầu trong việc bán hàng online, đầu tư mạnh về kinh doanh trên mạng xã hội. Vào hời điểm đó, các ông lớn như Lazada, Tiki, Shopee…đều chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, đứng trước một thị trường màu mỡ và đầy cạnh tranh, khả năng sao chép và “nhân bản” luôn xảy ra trong sớm chiều, yếu tố đổi mới và bứt phá lại càng trở thành thách thức lớn đối với những doanh nghiệp như của chị Huyền. 

“Những gì đã trở nên quen thuộc và bão hòa thì tôi phải tiếp tục tìm kiếm cái mới. Sau hai năm, việc kinh doanh trái cây nhập khẩu chất lượng cao đã không còn là cái gì đó quá hiếm hoi. Tôi chuyển qua kinh doanh những loại trái cây đặc sản và đem loại nho mẫu đơn của Nhật lần đầu về Việt Nam”, chị Huyền nói.

Những dịch vụ “độc” cũng ra đời như: bảo hành trái cây, đổi trả miễn phí trong 24 giờ... của doanh nghiệp chị Huyền cũng khiến người tiêu dùng thích thú.

Thị trường còn nhiều tiềm năng

Các nghiên cứu thị trường cho thấy, hơn 70% thời gian biểu của phụ nữ trung niên dành cho công việc và chăm sóc gia đình. Khác với các cô gái trẻ, nhóm khách hàng mẹ bỉm sữa lại ít khi mua sắm cho bản thân mà luôn dành mọi điều tốt nhất cho con. 

Các mẹ bỉm sữa có thể đắn đo khi mua một chiếc túi xách giá vài triệu đồng nhưng sẵn sàng chi đến vài chục triệu chỉ để mua về một ít nhau thai hươu… bồi bổ cho con. 

Những bà mẹ bỉm sữa “hốt bạc” nhờ bán thực phẩm sạch - 4

Thị trường thực phẩm sạch của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.

Bà Louise Hawley, Giám đốc điều hành Nielsen Vietnam (một công ty chuyên nghiên cứu thị trường) cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm đến sức khỏe hơn bao giờ hết.

“Với thực trạng môi trường đáng báo động hiện nay cùng với nhận thức tăng cao của người tiêu dùng, sức khỏe tiếp tục sẽ là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong những tháng cuối năm”, bà Louise Hawley nói.

Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn rất thiếu những đơn vị cung cấp thực phẩm “sạch” theo đúng chuẩn khắt khe của những bà mẹ bỉm sữa muốn mua cho con. Do đó, “miếng bánh” thực phẩm sạch vẫn còn rất nhiều tiềm năng để các bà mẹ khai thác.

Theo các chuyên gia kinh tế tại TPHCM, xu hướng kinh doanh của các mẹ bỉm sữa vẫn sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong tương lai. Nhiều người “bén duyên” với kinh doanh chỉ vì chính nhu cầu thực tế của họ. Hiện nay, mẹ bỉm sữa có thể bán mọi thứ pháp luật không cấm trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, để duy trì mô hình kinh doanh tồn tại một cách bền vững, phát triển thì mẹ bỉm sữa sẽ gặp nhiều thách thức về nguồn vốn, quản trị bán hàng, quản trị rủi ro, chính sách pháp luật, chăm sóc khách hàng…

Chính vì vậy, ngoài việc yêu thích kinh doanh thì các mẹ bỉm sữa cũng nên trau dồi kiến thức từ những người có kinh nghiệm, học hỏi từ những cuốn sách dạy kinh doanh hoặc tham khảo thông tin từ internet…

 Đại Việt