1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhựa từ 2.000 điểm ve chai phía Nam được xuất khẩu Mỹ, châu Âu thế nào?

Bảo Anh Phương Liên

(Dân trí) - Mỗi ngày, 180 tấn nhựa được thu gom từ khoảng 2.000 điểm ve chai khu vực phía Nam, sau đó được công ty nhựa đem đi tái chế. 60% số này xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu.

Chuyện xuất khẩu "rác" vào Mỹ, châu Âu của doanh nghiệp Việt (Video: Phạm Tiến - Minh Quang).

Trong ChatToday hôm nay, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, chia sẻ rằng hiện chưa nhiều người dám đầu tư vào sản xuất nhựa tái chế vì đây là cuộc chơi mạo hiểm phải có kỹ thuật, hiểu biết và phải có tài chính để đầu tư máy móc.

Khi nhận thấy các khách hàng lớn có nhu cầu về các sản phẩm nhựa tái chế, công ty đã mạnh dạn làm thử và quyết tâm làm ra các sản phẩm bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày, 180 tấn nhựa từ 2.000 điểm ve chai khu vực phía Nam được thu gom về nhà máy của doanh nghiệp nhựa nêu trên. 180 tấn này, theo ông Lê Anh, tương đương với 12 triệu chai nhựa. Nếu xếp các chai này liền nhau sẽ tương ứng quãng đường khoảng 700km, tương đương từ Hà Nội tới Huế hoặc từ Huế vào tới TPHCM.

Những chai nhựa đã qua sử dụng sau khi được thu gom sẽ được đưa vào các nhà máy để tạo ra những hạt nhựa và sau đó sản xuất ra những chai nhựa tái chế. Tất cả quá trình này tạo thành vòng tuần hoàn và đưa dòng chảy nhựa tái chế đi vào cuộc sống hàng ngày.

"Ta để lại gì cho mai sau?" sẽ là chuỗi câu chuyện liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển bền vững, thực hành ESG trong doanh nghiệp.

Mỗi câu chuyện sẽ hàm chứa những nội dung khác nhau, nhưng tựu trung lại đều hướng đến việc truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, cho cộng đồng, qua đó hướng tới phát triển bền vững.

Ông Lê Anh cho biết, người Việt Nam thường không có thói quen phân loại rác tái chế và rác sinh hoạt. Chính vì vậy, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tái chế nhựa rất lớn, lên đến 50%. "Nguyên liệu đầu vào là 100 tấn thì đầu ra chỉ được 50 tấn", ông nói.

Qua quá trình tái chế, 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương với 2,4 tỷ chai rác thải nhựa đã có một vòng đời mới trong năm qua. Trong đó, 60% tổng lượng tái chế được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Các loại chai nhựa, vỏ hộp tái chế này còn xuất hiện trong kệ một số hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ như Costco, WalMart.

Nhân vật của ChatToday cho biết những nước phát triển thường rất quan tâm đến phát triển bền vững và thu gom tái chế nhựa, bao bì. "Đáp ứng được yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn có thị trường để xuất khẩu", ông chia sẻ.

Trước mắt, công ty chưa có mục tiêu kinh tế nhưng ông Lê Anh cho rằng tái chế sẽ là ngành cho tương lai. Khi người tiêu dùng hiểu và ủng hộ thì những sản phẩm từ nhựa tái chế sẽ có sân chơi rộng hơn.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm