Nhộng cọ khó kiếm hơn đuông dừa, nhà giàu ăn sang cũng chưa chắc thử qua
(Dân trí) - Dù kén người ăn, nhưng đuông dừa hiện đã là món phổ biến trên khắp cả nước. Còn món ăn khá giống với nó là nhộng cọ thì không phải có tiền là được thử.
Là đặc sản Nam bộ, nhưng đuông dừa là món ăn bị cấm nuôi và kinh doanh ở một số tỉnh. Tuy nhiên, món ăn đặc biệt này vẫn được bán nhiều trên mạng xã hội, hoặc một số nhà hàng.
Giá mỗi nơi một khác, nhưng nếu mua buôn tại nguồn, giá đuông dừa vào khoảng 8 - 10 nghìn đồng/con, chưa kể phí vận chuyển.
Song, vì là món ăn đã phổ biến, nên nhiều thực khách như chị Nguyễn Như Quỳnh (Cổ Nhuế, Hà Nội) đã cảm thấy nhàm chán và muốn thử tìm cảm giác mới mẻ. Được bạn bè giới thiệu, chị đã lặn lội lên tận Phú Thọ để tìm mua nhộng cọ.
“Kinh doanh tại nhà nên tôi rất rảnh thời gian. Vì thế, cứ ở đâu có gì hay hoặc có món ăn ngon tôi lại tìm đến khám phá. Hơn nữa, phải lên tận nơi xem cách người ta khai thác thì tôi mới yên tâm ăn và đặt mua lần sau”, chị Quỳnh cho hay.
Món ăn này theo chị Quỳnh vị có chút khác lạ so với đuông dừa. Theo đó, nhộng cọ thơm hơn và có vị béo ngậy, độ đậm và ngọt trong miệng lâu quên hơn so với đuông dừa. Nhộng cọ ăn kèm chút lá chanh thì sẽ đạt tới hương vị thơm ngon nhất.
Nhộng cọ không phải là món ăn được bán phổ biến. Thậm chí, để tìm mua cũng khá khó, bởi theo anh Vũ Hải (Vĩnh Phúc), món ăn này được khai thác từ trong thân cây cọ. Tuy nhiên, quy trình để nuôi nhộng cọ rất mất thời gian.
Theo chia sẻ của anh Hải, khi cây cọ được hạ xuống thì phải chặt bỏ đoạn ngọn, rồi để đoạn ngọn đó từ 15 - 30 ngày.
“Trong thời gian này, sẽ có những con sâu ăn vào ngọn cọ rồi đẻ ra con nhộng. Trong khoảng 1 tháng sống ở đó, thức ăn của chúng sẽ là lõi và nõn trong thân cọ. Con nhộng sẽ to dần lên, nhưng nếu không khai thác đúng thời điểm thì chúng sẽ già và mọc cánh bay đi”, anh Hải cho hay.
Do đó, theo anh Hải, cần phải căn thời gian chuẩn để khai thác, nếu không mọi công sức nuôi nhộn sẽ đổ bể.
Do thức ăn là lõi và nõn cọ, nên nhộn rất thơm. Khi chế biến chỉ cần ngâm trong nước cho hết chất nhựa và mùi đặc trưng của cọ. Tiếp đến theo anh Hải, chỉ cần để mỡ già là thả cọ vào rang vàng giòn với lá chanh.
Nếu không nuôi, nhiều người dân chọn cách vào rừng tìm những cây cọ đã chết để săn nhộng. Món ăn này là đặc sản của người dân tộc hoặc của người dân ở vùng trồng cọ. Song, do không trồng nhiều như dừa, nên nhộng cọ không được bán phổ biến như đuông dừa.
Do đó, nếu có nhu cầu thưởng thức món ăn này thì người dân phải liên hệ với những người dân ở vùng cọ để đặt hàng trước.