1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhóm Flex đóng khi có 1,4 triệu thành viên: Góc nhìn thương mại

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Việc xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội không còn là việc làm cho vui. Ngày nay, những người sáng tạo nội dung coi đó là một nghề với mức thu nhập tương đối khá.

22h ngày 20/7, Đặng Hữu Thịnh - founder của nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" - đưa ra thông báo nhóm chính thức tạm dừng hoạt động 6 tháng, tính từ ngày 20/7.

Lý do được Hữu Thịnh đưa ra là: "Cần một sự thay đổi, cải tiến mới cho group và cho cộng đồng Flex". Founder sinh năm 1994 hy vọng sau 6 tháng, cộng đồng sẽ có thêm nhiều nội dung chất lượng với số lượng thành viên tham gia ngày càng lớn mạnh.

Vì là cộng đồng lớn mạnh có sức lan tỏa bậc nhất ở thời điểm hiện tại, việc founder thông báo nhóm tạm dừng 6 tháng khiến cho không ít người dự đoán rằng liệu đây có phải bài toán thương mại.

"Chắc group này bán đi thì được nhiều tiền lắm?", "mai mốt lại không tìm thấy nhóm đâu nữa mà được đổi tên không liên quan", "nếu bán đi thì quá là tiếc" là những bình luận điển hình của cư dân mạng.

Trước đó, trả lời về vấn đề bán lại cộng đồng, Hữu Thịnh cho biết "Flex đến hơi thở cuối cùng" cũng giống nhiều cộng đồng khác trên mạng xã hội Facebook.

Nhóm Flex đóng khi có 1,4 triệu thành viên: Góc nhìn thương mại - 1

Founder của nhóm flex trên mạng xã hội gây sốt thời gian qua (Ảnh: FBNV).

Đó là khi phát triển, lượng thành viên tăng nhanh với những bài viết chất lượng thì sẽ có người ngỏ lời muốn mua lại nhóm. Tuy nhiên, về phần Hữu Thịnh, anh coi nhóm này là tài sản chung của cả cộng đồng nên chưa từng có ý nghĩ sẽ chuyển giao hay bán lại cộng đồng cho ai.

Phía dưới bài đăng của Hữu Thịnh, đa phần mọi người đều bày tỏ sự tiếc nuối. Bởi lẽ trong khoảng 10 ngày qua, "Flex đến hơi thở cuối cùng" là cộng đồng "gây sốt" mạng xã hội với số lượng thành viên tăng lên 1 triệu người chỉ sau 1 tuần. Cộng đồng có số lượng bài viết được đánh giá chất lượng với những nội dung tích cực nhất trên mạng xã hội Facebook ở thời điểm hiện tại.

"Nghề" xây dựng cộng đồng thu nhập ra sao? 

Việc xây dựng cộng đồng đang được coi là một "nghề" dành cho những người sáng tạo nội dung. Tạo ra được một cộng đồng có nhiều người tham gia với mức độ lan tỏa nhất định không chỉ giúp founder khẳng định tên tuổi bản thân, mà còn là nguồn phát sinh thương mại không hề nhỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trong báo giá của một cộng đồng có hơn 300.000 người theo dõi, chi phí cho một thương hiệu hoặc cá nhân có nhu cầu đăng bài quảng cáo trên nhóm dao động từ 8 triệu đồng tới 20 triệu đồng.

Mức giá sẽ thay đổi theo các hạng mục liên quan đến nội dung sản xuất, hình thức sản xuất, vị trí xuất hiện và thời gian được ghim trên đầu nhóm.

Ngoài ra, không khó để tìm được những báo giá dành cho những người có nhu cầu mua lại cộng đồng.

Nhóm Flex đóng khi có 1,4 triệu thành viên: Góc nhìn thương mại - 2

Kiếm tiền trên cộng đồng mạng đang trở nên phổ biến, những cộng đồng "làm thật, ăn thật" có chi phí không rẻ (Ảnh minh họa: Pinterest).

Theo báo giá chung ở thời điểm tháng 7, cộng đồng 100.000 thành viên được rao bán với mức giá dao động từ 15 triệu đến 25 triệu đồng, tùy theo chất lượng thành viên - theo lời miêu tả của đơn vị kinh doanh cộng đồng.

Theo nhận định của người trong nghề, với những cộng đồng "làm thật, ăn thật", có sức lan tỏa mạnh mẽ và số lượng người tham gia là thật như "Flex đến hơi thở cuối cùng", chi phí mua lại nhóm là không hề rẻ, có thể lên tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm