Nhờ Kiểm toán Nhà nước, 40 vụ việc được chuyển cho cảnh sát điều tra

Ninh An

(Dân trí) - Các kiến nghị kiểm toán góp phần quan trọng trong việc cung cấp các thông tin giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra.

Vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước

Ngày 11/7 tới đây, Kiểm toán nhà nước Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập. Từ một tổ chức không có tiền thân, nay Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp, từng bước khẳng định là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi Ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó để tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán.

Kết quả kiểm toán đã được các đơn vị thực hiện kịp thời, trong đó kiến nghị về xử lý tài chính được các đơn vị thực hiện khoảng 75% trong năm liền kề và tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo (lũy kế sau 5 năm, bình quân kết quả thực hiện kiến nghị đạt trên 90%).

Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng trong việc cung cấp các thông tin giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp tốt với các cơ quan trong khối nội chính, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng.

Trong giai đoạn 2011 đến nay, cơ quan này đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; tính đến ngày 15/12/2023 cung cấp 1.950 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước đều gửi Báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán cho các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng các bộ, ngành, cơ quan trung ương, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị và tăng cường phối hợp công tác.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã in các ấn phẩm, chuyên đề gửi các Đại biểu Quốc hội làm tài liệu phục vụ các kỳ họp.

Nhờ Kiểm toán Nhà nước, 40 vụ việc được chuyển cho cảnh sát điều tra - 1

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng từ khi thành lập đến nay (Ảnh: KTNN).

Nhiều đơn vị mời Kiểm toán Nhà nước tới làm việc 

Trong phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn ngày 5/6 vừa qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là báo cáo quyết toán về Ngân sách Nhà nước.

Vị đại biểu Quốc hội đến từ đoàn TPHCM đặt câu hỏi cho Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn về việc đơn vị đã được các cơ quan, doanh nghiệp tự nguyện đăng ký, chủ động mời đến kiểm toán hay chưa.

Trả lời đại biểu, ông Ngô Văn Tuấn cho biết nhận thức rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc xác định tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính thì trong thời gian vừa qua, cơ quan này được rất nhiều Bộ ngành địa phương mời vào kiểm toán. Đặc biệt là đối với các công trình dự án nhạy cảm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết căn cứ vào nguồn lực, chương trình kế hoạch được Quốc hội giao, công tác kiểm toán hàng năm, đơn vị cũng cân nhắc đưa vào trong kế hoạch hàng năm việc kiểm toán theo yêu cầu của địa phương, các bộ ngành kể cả doanh nghiệp. 

Ông Tuấn lấy ví dụ trong thời gian vừa qua Kiểm toán Nhà nước nhận được rất nhiều yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán, xác nhận quyết toán vốn đối với các đơn vị tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã đặt ra những nhiệm vụ mục tiêu chiến lược và giải pháp cụ thể đến năm 2030 nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.