1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhìn lại mối lương duyên giữa VIB và CBA

Bắt tay với đối tác ngoại đã trở thành phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở khối tài chính. Song vì lợi ích không cùng “nhịp” nên ít “cặp” “sống” với nhau được lâu dài.

Mối lương duyên giữa 2 đối tác thực lâu dài và bền vững nếu cả 2 có được sự tin cậy, tìm được tiếng nói chung trong định hướng phát triển, điều hành, quản trị và cân bằng hài hòa lợi ích, một chuyên gia tài chính chia sẻ. Câu chuyện giữa CBA và VIB là một minh chứng.

 

Theo Báo cáo thường niên năm 2011 của Ngân hàng Quốc tế (VIB), năm 2011, VIB trích 974 tỷ đồng dự phòng tín dụng trong 1.823 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng, chiếm 53,4%, tăng đến 194,8% so với kế hoạch năm 2011 (500 tỷ đồng) và tăng tới 233,2% so với năm 2010. Bước sang năm 2012, VIB đặt kế hoạch trích lập dự phòng trên 1.022 tỷ đồng và tính đến hết tháng 6/2012, ngân hàng này đã trích dự phòng rủi ro gần 618 tỷ đồng, bằng 63,5% năm 2011.

 

Nhận định về việc VIB mạnh tay cho việc trích lập dự phòng, trong chuyến thăm và làm việc với ban lãnh đạo VIB mới đây, ông Simon Blair - Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ đầu tư tài chính quốc tế CBA cho biết: “CBA cũng duy trì một chính sách dự phòng thận trọng tương tự và điều này giúp CBA là một trong 20 ngân hàng an toàn nhất thế giới”.

 

“Do đó, con số và tỷ lệ so sánh về dự phòng tín dụng của VIB như trên trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như năm vừa qua và tình hình hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Simon Blair đánh giá. “Qua đó cũng thể hiện quan điểm thận trọng của lãnh đạo VIB trong việc lựa chọn cho mình quan điểm và chiến lược phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy thách thức hiện nay”, ông nói.
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Hàn Ngọc Vũ

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Hàn Ngọc Vũ cho biết thêm, VIB nhìn nhận thị trường đang còn tồn tại nhiều biến động tiêu cực, ảnh hướng xấu cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng và cả khách hàng của mình. Chính điều này ảnh hưởng tới quyết định của VIB trong việc trích lập dự phòng ở con số thể hiện sự thận trọng cao khi thực tại của nền kinh tế là tăng trưởng và sản xuất chậm lại, doanh nghiệp phá sản, hàng tồn kho cao,…

 

Đại diện VIB nhấn mạnh, việc trích lập dự phòng không phải mất đi mà thể hiện ước đoán, thái độ đúng của người quản lý ngân hàng trong môi trường kinh doanh còn khó khăn nếu tình hình tiếp tục xấu hơn nữa.

 

Ông Simon Blair phân tích thêm, việc tăng cường dự phòng rủi ro nên hiểu là không chỉ thể hiện quan điểm thận trọng về đánh giá mức độ rủi ro của môi trường hoạt động, mà nó còn giúp gia tăng khả năng tài chính trong việc xử lý các tình huống xấu hơn của thị trường, cũng như thể hiện sự minh bạch trong hoạt động.

 

“Chính vì thế, với kinh nghiệm đầu tư tại nhiều thị trường trên thế giới, CBA cho rằng các số liệu về lợi nhuận hay chỉ số sinh lời của một ngân hàng thường không thể hiện hết giá trị của ngân hàng đó. Tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng mới là điều quan trọng. Đến nay CBA vẫn đánh giá tiềm năng tăng trưởng tốt của VIB và thị trường Việt Nam”, ông Simon nói.

 

Là cổ đông chiến lược của VIB, CBA không chỉ thực hiện “vật lý” chuyển vốn (tính đến hiện nay là khoảng 3.930 tỷ đồng) để chờ lợi nhuận khoản đầu tư này, hay tiếp cận khách hàng và bán chéo sản phẩm, chuyển cả các nguồn lực quan trọng khác là con người - tri thức cao, công nghệ, kinh nghiệm quản lý theo đúng nghĩa của cổ đông chiến lược.

 

Ngoài các vị trí trong hội đồng quản trị và ban kiểm soát, chuyên gia của CBA hiện cũng đang hiện diện tại các vị trí then chốt của VIB như ngân hàng bán lẻ, quản lý rủi ro, phát triển nhân sự, công nghệ thông tin, hoạt động nguồn vốn và tài chính với số lượng trên 20 người. Con số này sẽ tiếp tục tăng dần trong các năm sau theo yêu cầu về nguồn lực phát triển của VIB.

 

Chương trình chuyển giao năng lực giữa 2 bên không chỉ nhằm thực hiện chiến lược đưa VIB trở thành tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam, mà còn giúp VIB tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo chuẩn mực quốc tế, ông Simon Blair chia sẻ.

 

Về phía VIB, với sự hậu thuẫn về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của CBA, VIB đã phát triển hàng hoạt các chương trình và sản phẩm mới, cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mới đây nhất, ngân hàng đã triển khai chương trình tài khoản thanh toán, tiên phong miễn phí rút tiền cho khách hàng tại trên 14.000 ATM, đồng thời ra mắt mobile banking phiên bản mới. “Tiếp thu sự chuyển giao năng lực từ đối tác chiến lược với trên 100 năm kinh nghiệm sẽ giúp chúng tôi phát triển ngân hàng an toàn hơn và làm cho khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ.

 

Ngoài ra, VIB cũng có cơ hội kinh doanh với các tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực tiền gửi và ngoại hối, cũng như với doanh nghiệp có vốn đầu  tư nước ngoài. Trong năm 2011, VIB đã thành lập Khối Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số lượng khách hàng này cũng đã tăng 21% trong năm.

 

Những bước tiến dài hơn trên con đường đến với mục tiêu đã đề ra của VIB được chỉ ra là có kết quả từ câu chuyện “kết duyên” với CBA. Nhờ mối lương duyên bền chặt với CBA, lợi ích tài chính là một phần, quan trọng VIB đã được chuyển giao năng lực quản trị điều hành, kinh nghiệm và những hỗ trợ của đối tác ngoại về mọi nguồn lực khác trong phát triển sản phẩm, dịch và nâng cao năng lực quản trị, tài chính.

 

Hà Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm