Nhìn dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán: "Đau đầu" đầu tư hay đầu cơ?
(Dân trí) - Trong chương trình Bí mật đồng tiền với chủ đề "Noel - No End" diễn ra hôm nay (22/12), một trong những chủ đề được đặt ra nhiều nhất, đó là "đầu tư" hay "đầu cơ" khi tham gia thị trường chứng khoán.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cho thấy, nhà đầu tư mở mới 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 11. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đi kèm với số lượng người tham gia thị trường lớn, nhiều diễn biến cũng khá "lạ" với sự xuất hiện những cổ phiếu tăng mạnh gấp nhiều lần dù doanh nghiệp báo lỗ hay có những doanh nghiệp lãi nhưng giá đi ngang trong nhiều tháng qua.
Vậy ở những thời điểm thị trường như thế này, nên đầu tư dài hạn hay đầu cơ, lướt sóng với hy vọng lãi nhanh và nhiều?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho biết bản thân vẫn chọn cách đầu tư thay vì đầu cơ. Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư khác, ông Hưng đưa lời khuyên: Điều quan trọng là nhà đầu tư phải mình đang làm gì, đầu cơ hay đầu tư để có những "chiến lược" phù hợp.
"Muốn đầu cơ mà lãi được cũng rất khó. Có những người thích cảm giác mạnh, kịch tích với lợi nhuận cao nhưng ngược lại vẫn có những nhà đầu tư ngược lại. Dù đầu tư hay đầu cơ thì quan trọng phải mình đang làm gì. Tránh chuyện mình đầu cơ bị kẹt rồi quay ra đầu tư... Cứ lẫn lộn giữa đầu tư, đầu cơ, xác suất lỗ rất cao. Nếu có lãi thì chủ yếu là may mắn", ông Hưng nói.
Là khách mời trong chương trình - nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ: Điều quan trọng là chúng ta dùng bao nhiêu tiền để đầu cơ. Tôi đi theo thị trường 21 năm, thì 80% là đầu tư còn 20% là đầu cơ.
"Gần đây, gần như ngày nào tôi cũng nhận được câu hỏi xin 3 chữ cái. Khi đó tôi hay hỏi lại mọi người là bạn muốn đầu cơ hay đầu tư. Khi mình hướng tới phương thức đầu tư, giá trị tăng bền vững. Còn nếu họ trả lời muốn đầu cơ thì tôi sẽ nói đó không phải là việc của tôi, mà là việc của môi giới chứng khoán. Khi đầu cơ, bạn không khác gì ngồi trên ghế điện", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán nên tìm hiểu kỹ doanh nghiệp mình muốn đầu tư thông qua nhiều phương thức tiếp cận. Có thể trao đổi với môi giới, đọc tài liệu…; sau đó tạo lập danh mục đầu tư.
Cũng theo kinh nghiệm của nhà đầu tư này cần tìm hiểu doanh nghiệp đó hoạt động về lĩnh vực gì, kết quả hoạt động kinh doanh trong quá khứ, hiện tại, kế hoạch tương lai thế nào? Ngoài ra cũng cần xem xét doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh không, có ban lãnh đạo tốt không…
"Với nhà đầu tư cá nhân chúng ta nên chỉ mua khoảng 5 mã là cao nhất. Sau đó cứ mua bán trong 5 mã đấy. Bên cạnh đó chúng ta bám sát môi giới, tìm những mã doanh nghiệp tốt. Tham gia thị trường thì chấp nhận có lên có xuống. Chỉ là mỗi thời điểm phân bổ tài sản như thế nào", ông Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ thêm một cách giúp các nhà đầu tư mới tham gia thị trường có thể tham khảo trong việc tiếp cận thông tin, đó là tìm được nhóm 5-7 các nhà đầu tư chứng khoán với những lợi thế khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó có những thông tin chia sẻ, tham khảo. Mặc dù điều này không hề dễ song theo ông Hưng, đó là một cách thể có thể tiếp cận.
Cũng tại chương trình Bí mật đồng tiền, ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc SSI Research đã có những đánh giá về triển vọng của thị trường trong năm 2022.
Cụ thể theo vị này, nhìn ở góc độ vĩ mô, năm như 2020 và 2021 thì chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà là xu hướng trên cả thế giới.
Tuy nhiên năm 2022, xu hướng cao sẽ là thắt chặt tiền tệ, do đó việc các cổ phiếu "nắm tay nhau đi lên" sẽ không còn xảy ra, nó sẽ chọn lọc hơn. Do đó, việc đầu tư sẽ chọn lọc hơn.
"Khả năng chỉ số VN-Index tăng nhiều là khó. Tuy nhiên tôi cho rằng các nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn danh mục của mình thay vì chỉ số chung. Bởi có lúc thị trường đi lên nhưng mã mình nắm giữ vẫn đi xuống và ngược lại", ông Hưng chia sẻ.