Nhiều nhà cung cấp “đòi” tăng giá
(Dân trí) - Thời điểm này, các siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá của nhiều nhà cung cấp cũng như đơn vị sản xuất tại TPHCM. Điều này dấy lên nỗi lo ngại về cơn “bão giá” mới trong thời gian tới.
Trong tháng 9, nhiều siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá trên một số mặt hàng của nhiều nhà cung cấp. Cụ thể siêu thị Citimart cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 100 nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm, chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm… với mức tăng từ 5 – 15%. Siêu thị Maximart nhận được thông báo tăng giá của khoảng 20 nhà cung cấp với mức tăng bình quân khoảng 5%. Thời gian áp dụng giá mới được các nhà cung cấp đưa ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Siêu thị Co.opMart và BigC trong thời gian qua cũng nhận được thông báo đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp, chủ yếu với các ngành hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… Riêng mặt hàng hóa mỹ phẩm tại siêu thị BigC nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 10 nhà cung cấp với một số mặt hàng với mức tăng 7 - 8%.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại của siêu thị BigC Việt Nam cho hay, thời gian qua BigC có nhận được thông báo đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp nhưng đơn vị này chưa chấp nhận việc tăng giá. Siêu thị sẽ kiểm soát chặt yêu cầu tăng giá thông qua việc tìm hiểu thị trường, xem việc tăng giá với các mặt hàng đó có thật sự hợp lý hay không. Đồng thời sẽ thảo luận với nhà cung cấp về những khó khăn để cùng đưa ra những giải pháp nhằm tránh việc tăng giá.
“Nếu buộc phải tăng giá, chúng tôi sẽ thảo luận với nhà cung cấp để mức độ điều chỉnh thấp nhất có thể. Việc tăng cường trữ hàng hóa thấp cũng được chúng tôi đẩy mạnh nên tại BigC sẽ không có việc tăng giá ồ ạt trong tháng 10”, bà Trang cho hay.
Đại diện siêu thị Co.opMart cũng cho biết nếu lý do và giá cả các nhà cung cấp đưa ra không hợp lý thì siêu thị này sẽ từ chối việc tăng giá. Còn nếu lý do hợp lý thì Co.opMart sẽ đàm phán để có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình.
Tuy nhiên, việc biến động của giá cả trong thời gian tới là khó kìm hãm khi mà các nhà sản xuất đang chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá xăng nhiều lần trong thời gian qua cùng đợt điều chính mức lương cho công nhân.
Đại diện một siêu thị bán lẻ phân tích, sức mua trong thời gian qua đã rất chậm khi người dân thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp rất e ngại việc tăng giá. Tăng giá lúc này đồng nghĩa với việc sức mua sẽ tiếp tục giảm, hoạt động kinh doanh sẽ càng khó khăn hơn.
“Chúng tôi sẽ từ chối việc tăng giá bất hợp lý nhưng thời điểm này, nhà cung cấp đã gửi đề nghị tăng giá nghĩa là họ phải chịu áp lực từ chi phí thị trường chứ không phải là hiện tượng “ăn theo” hay “tát nước theo mưa”. Việc tăng giá là khó tránh, có chăng là các nhà bán lẻ cố gắng hạn chế mức tăng và tăng theo lộ trình để tránh “sốc” cho người tiêu dùng”, người này khẳng định.
Ghi nhận ở một số chợ truyền thống tại TPHCM, nhiều tiểu thương cho biết khoảng một tuần nay một số mặt hàng tiêu dùng như bột giặt tăng 5.000 - 6.000 đồng loại 6kg và dầu ăn tăng 5.000 đồng/can 5 lít.
Hoài Nam