Nhiều người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng Uniqlo

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc, Uniqlo Việt Nam hướng đến mục tiêu mỗi điểm bán có một nhân viên là người khuyết tật.

Mỗi cửa hàng có một nhân viên là người khuyết tật

Đều đặn gần 1 năm nay, 8h, Xuân Trang rời nhà đi làm. Chỗ làm của cô gái trẻ này là cửa hàng Uniqlo Aeon Mall Bình Tân (TPHCM). Công việc quen thuộc của cô, một nhân viên bán hàng, là hỗ trợ khách tìm kiếm sản phẩm, thử đồ, sắp xếp quần áo trên quầy kệ, kiểm tra hàng hóa trong kho…

Nhiều người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng Uniqlo - 1

Xuân Trang, đeo thẻ xanh lá, là một trong 8 nhân viên người khuyết tật hiện làm việc tại các cửa hàng Uniqlo.

Bị điếc và không thể giao tiếp bằng lời nên mỗi khi có khách hàng cần hỗ trợ, Xuân Trang sẽ giơ tấm thẻ đeo màu xanh lá trước ngực, thông báo về tình trạng của mình và hướng dẫn khách cách được hỗ trợ. "Xuân Trang có tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Đặc biệt, nụ cười rạng rỡ và gương mặt tươi sáng của bạn tạo được trải nghiệm đáng nhớ với khách hàng", chị Khánh Linh, quản lý của Trang, nhận xét.

Xuân Trang là một trong 8 nhân viên có các khiếm khuyết về nghe, vận động… đang làm việc tại 8 cửa hàng Uniqlo ở TPHCM và Hà Nội. Tại cửa hàng, mỗi bạn đều có một đồng nghiệp hỗ trợ để truyền tải thông tin của cuộc họp đầu ngày, chia sẻ tâm tư nguyện vọng hoặc khó khăn khi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Người khuyết tật (DRD), đối tác tìm kiếm ứng viên và hỗ trợ đào tạo của Uniqlo cho biết, đây là những bạn khuyết tật hiếm hoi trong mạng lưới của DRD đang làm công việc bán hàng, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. "Thu nhập của các bạn khi làm việc tại Uniqlo chắc chắn tốt hơn và được hưởng nhiều phúc lợi", ông Cử chia sẻ.

Năm 2022, DRD trở thành đối tác của Uniqlo Việt Nam khi nhà bán lẻ toàn cầu này thực hiện chương trình "Tuyển dụng nhân viên người khuyết tật (PwD)". Nhà tuyển dụng đã nhận được 91 đơn ứng tuyển từ khi triển khai chương trình đến nay, trong đó có 15 nhân sự trúng tuyển và 8 nhân sự vẫn đang làm việc.

Ông Cử đánh giá, đa số các bạn khuyết tật chưa quen làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như Uniqlo.

Tuy nhiên, theo ông Cử, Uniqlo Việt Nam với sự tư vấn của DRD đã có những điều chỉnh phù hợp để gỡ bỏ những rào cản này. Trong đó, có những việc rất đơn giản như in tấm bảng, tìm kiếm những vị trí công việc khai thác được thế mạnh, khả năng đặc biệt của người khuyết tật.

"Từ trải nghiệm làm việc với Uniqlo, chúng tôi đã học hỏi được cách họ đào tạo, hỗ trợ nhân sự là người khuyết tật và chúng tôi sẽ 'đóng gói' quy trình này để làm với những doanh nghiệp khác", ông Cử nói.

Ông Nishida Hideki - Tổng giám đốc UNIQLO, chia sẻ, chương trình tuyển dụng nhân viên PwD nằm trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn mẹ - Fast Retailing ở mục tiêu tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng. Thông qua chương trình, Uniqlo Việt Nam hướng đến mục tiêu tuyển dụng ít nhất 1 người khuyết tật làm việc tại mỗi cửa hàng để đạt tỷ lệ 0,9% nhân viên là người khuyết tật trên tổng số nhân sự tại mỗi cửa hàng, gần với con số 1% của tập đoàn mẹ.

Nhiều người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng Uniqlo - 2

Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam nhấn mạnh tập trung hỗ trợ, phát triển nhân lực trong nước, nhất là nhóm yếu thế, là mục tiêu dài hạn và bền vững.

Chiến lược phát triển bền vững bao trùm

Cùng với tuyển dụng người khuyết tật, chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Fast Retailing tại Việt Nam còn được triển khai ở nhiều chương trình và đã đạt được những kết quả cụ thể.

Tính đến hiện tại, sau hơn 20 năm hợp tác cùng các nhà máy tại Việt Nam, Uniqlo đã cung cấp các sản phẩm "Made in Vietnam" tại 23 cửa hàng trong nước và phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trên mạng lưới toàn cầu. Qua đó, nhà bán lẻ này đã gián tiếp tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 240.000 lao động.

Nhiều người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng Uniqlo - 3

Tăng cường sử dụng lao động địa phương là cách Uniqlo Việt Nam góp phần vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội chung.

Thương hiệu này cũng triển khai chương trình tuyển dụng các vị trí quản lý làm việc tại công ty. Đến nay đã có 145 bạn trẻ tiềm năng được lựa chọn và đào tạo chuyên sâu. Hiện tại, số lượng nhân viên cấp quản lý là người Việt tại các cửa hàng chiếm tỷ lệ hơn 70%.

Từ 2021 đến nay, thương hiệu này triển khai dự án Re.Uniqlo với việc nhận lại các trang phục đã qua sử dụng và quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đã có hơn 27.000 sản phẩm đã được trao tặng đến người dân tại 11 tỉnh thành trên cả nước.

Bên cạnh đó là chương trình "Ánh sáng học đường", sử dụng ngân sách từ việc quyên góp doanh thu bán bộ sưu tập UTme! gồm các thiết kế giới hạn được sáng tạo bởi họa sĩ Việt góp phần xây dựng điểm trường Trống Trở tại Mù Cang Chải (Yên Bái) trong năm 2023; thực hiện "Hỗ trợ nước sạch" bằng việc trang bị hệ thống lọc nước RO tại nhiều trường học ở tỉnh Bến Tre và huyện Cần Giờ (TPHCM).

Nhiều người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng Uniqlo - 4

Mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn lý tưởng của Fast Retailling - công ty mẹ của Uniqlo.

Đại diện Uniqlo cho biết: "Trong nỗ lực chuyển đổi chuỗi cung ứng theo tăng trưởng bền vững, tập đoàn mẹ của chúng tôi tập trung vào cải tiến sản phẩm, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế, giảm lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hỗ trợ cộng đồng. Tại Việt Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh tiến trình này, hướng tới các mục tiêu đã cam kết".