Nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam
(Dân trí) - Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu (XK) còn rất hạn chế.
Đó là khẳng định của ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KHCN và Nhóm Liên kết Nông nghiệp và Thị trường các thành phố châu Á (MALICA) tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội.
Theo ông Đô, Việt Nam hiện có 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 53% diện tích . Năm 2014 tổng sản lượng lúa cả nước đạt 45 triệu tấn và xuất khẩu (XK) hơn 6,3 triệu tấn gạo, với kim ngạch 2,93 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong giai đoạn vừa qua, nhưng ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể là: Sản xuất lúa chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ, hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5 ha/hộ. Trong khi đó, hoạt động về tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ nhóm, sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất của người nông dan thấp.
Cơ cấu về giống lúa đa dạng nhưng thiếu các giống chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế.
Thị trường XK gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo XK có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo XK chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Theo Đề án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, ATTP. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt nam trong đó 30% tổng sản lượng gạo XK là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
“Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp (DN) có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường đặc biệt là thị trường XK còn rất hạn chế,” ông Đô nhận định.
Trong bối cảnh trên thị trường quốc tế mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, ngoài đối thủ truyền thống Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanma và Mỹ. Chính vì vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam còn là yêu cầu cấp bách và quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo đại diện của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, việc xây dựng thương hiệu gạo trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm gạo bao gói đóng lẻ trên thị trường đều gần giống nhau về chủng loại gạo. Hình thức và mẫu mã bao bì chưa có sự khác biệt, vì vậy người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm của mỗi công ty.
Hơn nữa, thói quen tiêu dùng của người Việt là một rào cản lớn đối với DN. Hơn 90% người dân hiện đang ăn gạo xát, chỉ khoảng gần 10% ăn gạo bao đóng gói. Về giá cả thì gạo bao nhỏ khó cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ bên ngoài do vì chi phí đăng ký nhãn hiệu, kênh phân phối, chi phí mặt bằng, quầy kệ và thuế VAT 5% làm đội giá bán.
Một điểm khó khăn nữa là Việt Nam chưa xây dựng được một phòng kiểm nghiệm quy mô hiện đại, đủ năng lực kiểm tra tất cả các chỉ tiêu vè chất lượng gạo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gửi mẫu kiểm tra chất lượng gạo để hỗ trợ kịp thời trong công tác xuất khẩu và giảm chi phí.
Đại diện của Công ty CP BVTV An Giang cho rằng: Để phát triển thương hiệu gạo quốc gia, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ Thái Lan. Ở Ấn Độ, các siêu thị thường có bộ phận tìm kiếm ngành hàng có tiêu chuẩn riêng về sản phẩm đó. Lúa gạo bán ở các siêu thị, thương hiệu của các nhà cung cấp được tạo ra.
Trong khi đó, Thái Lan có chiến lược chủ động trong xây dựng thương hiệu gạo. Các DN lớn rất chủ động trong việc xây dựng thương hiệu và họ có thương hiệu riêng của mình, tiến hành chiến dịch maketing thúc đẩy thương hiệu, sản phẩm mới vào chuỗi vào siêu thị. Trong khi đó, Chính phủ hỗ trợ chiến lược chủ động huy động DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi khác. Họ xúc tiến thương mại qua hội chợ quốc tế; đồng thời tổ chức nông dân, lễ hội, hội chợ thương mại để cho du khách nước ngoài đến trải nghiệm sản phẩm tạo giá trị gia tăng.
Nguyên An