Nhiều hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng đột biến: Đưa vào diện theo dõi
(Dân trí) - Theo Tổng cục Hải quan, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ kim loại thường khác; dây điện và dây cáp điện; gỗ và sản phẩm gỗ...
Tại hội thảo Chống gian lận xuất xứ, lần tránh các biện pháp phòng vệ thương mại diễn ra sáng nay (14/11), các chuyên gia cho rằng, hai cụm từ “nóng” thời gian qua được nhắc nhắc rất nhiều, đó là “Made in China” và “gian lận thương mại”.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, Việt Nam đứng trước nguy cơ “mượn đường” và hàng hoá nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam sang các nước khác để hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra theo cơ quan này, một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện “chuyển tải” từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như xe đạp, kẽm, vòng gắn; giày mũ da…
Việc chuyển tải bất hợp pháp (xuất khẩu tháo rời sang Việt Nam rồi sau đó lắp ráp đơn giản) theo cơ quan hải quan, sẽ tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại một số nước như Mỹ. Đồng thời tăng rủi ro hàng hoá của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, qua phân tích số liệu thống kê, Tổng cục Hải quan theo dõi có một số mặt hàng tăng trưởng đột biến (trên 25%), trong 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018.
Những mặt hàng này bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Sắt thép và sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ.
Trong số này, có nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ kim loại thường khác; dây điện và dây cáp điện; gỗ và sản phẩm gỗ; thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh.
Ông Tuấn cho biết thêm, Cục Hải quan Hải Phòng từng phát hiện một doanh nghiệp chế xuất, 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thực hiện một số công đoạn lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Theo ông Tuấn, Tổng cục Hải quan sẽ đưa các nhóm hàng có lượng nhập khẩu tăng đột biến vào diện theo dõi và tích cực triển khai công tác đấu tranh phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đồng thời, lưu ý về một số mặt hàng có nguy cơ gian lận cao như: Hàng dệt may, da giày, hàng điện tử…
Cũng theo vị này, thời gian qua cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá nước ngoài nhưng trên bao bì sản phẩm có nhãn "made in Vietnam".
Một số vụ việc, doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện rời về không trải qua công đoạn gia công, sản xuất nhưng vẫn khai xuất xứ Việt Nam hoặc nhập hàng hoá nước ngoài khi đưa về nhà kho/xưởng sản xuất đã sang nhãn thay đổi nhãn hiệu thành hàng hoá Việt Nam.
Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân việc ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại còn gặp nhiều khó khăn là do các quy định chồng chéo, bất hợp lý.
Cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định ghi nhãn hàng hoá nhưng cho phép bổ sung sau, do đó, phần lớn doanh nghiệp không ghi nhãn "Made in Viet Nam" mà sau khi khai báo mới bổ sung, gây khó cho cơ quan quản lý. Đồng thời, Nghị định này cũng không áp dụng với hàng hoá xuất khẩu nên việc ghi nhãn còn nhiều kẽ hở.
“Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh rà soát các giao dịch, doanh nghiệp có xuất nhập khẩu hàng hoá tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích, điều tra làm rõ vi phạm”, ông Tuấn nêu một trong các giải pháp quan trọng.
Nguyễn Mạnh