Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa:

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì vướng mắc quy định phòng cháy chữa cháy

Thanh Tùng

(Dân trí) - Không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa buộc phải đóng cửa.

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều đánh giá cao, thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các đại biểu tham gia đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến đất đai, xử lý môi trường, thu ngân sách, tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới…

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến đề xuất, kiến nghị về những khó khăn của các doanh nghiệp đang vướng mắc trong thời gian qua.

Theo ông Đoan, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp hết sức phấn khởi, trong quá trình sản xuất kinh doanh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, tình hình dịch Covid-19 tăng mạnh ở những tháng đầu năm đã kéo theo nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, về vấn đề nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì vướng mắc quy định phòng cháy chữa cháy - 1

Đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Hiện nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã khóa room tín dụng dẫn đến không còn tiền cho các doanh nghiệp vay vốn trong khi đó lãi suất cho vay liên tục tăng. Các khoản vay đến hạn sau khi trả nợ bị khóa và không được tiếp tục giải ngân để tạo dòng tiền thúc đẩy sản xuất, kinh doanh", ông Đoan nêu ý kiến.

Về vấn đề này, đại biểu Cao Tiến Đoan đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để sớm có những biện pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp như tiếp tục nới room tín dụng, khoanh nợ, tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn thời gian trả lãi cho doanh nghiệp.

Theo ông Đoan, trước thực trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn, nguồn nguyên vật liệu tăng cao nên gặp nhiều khó khăn, đề nghị lãnh đạo tỉnh nên có những hội thảo, những cuộc họp để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, làm động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng cháy chữa cháy đối với các doanh nghiệp hiện nay là một trong số những vấn đề nổi cộm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa qua hiệp hội nhận được hơn 100 đơn "kêu cứu" của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như Đông Bắc Ga, Tây Bắc Ga, thành phố Thanh Hóa về vấn đề khắc phục công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì vướng mắc quy định phòng cháy chữa cháy - 2

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

"Hiệp hội cũng đã có tờ trình báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này. Đã có 72 doanh nghiệp được kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó có 40 doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đảm bảo", ông Đoan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đoan, nguyên nhân ở đây một phần do khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Khu công nghiệp không có đường nước riêng dành cho phòng cháy, chữa cháy, nhưng cơ quan chức năng vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Về vấn đề này, ông Cao Tiến Đoan đề nghị UBND tỉnh, các cấp ngành xem xét, kéo lùi thời gian gia hạn nhất định để doanh nghiệp khắc phục. Song song đó là chỉ đạo thi công đường nước làm điểm đấu nối cho doanh nghiệp, giảm tiền phạt vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Trước đó, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về Tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên phạm vi toàn quốc, sau 2 tuần ra quân (từ ngày 15/10 đến ngày 29/10) Công an tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra đối với 7.671 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 33.716 cơ sở thuộc diện quản lý về  PCCC&CNCH. Trong đó 1.915 cơ sở có nguy hiểm cháy nổ.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, sau 2 tuần ra quân tổng kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH công an tỉnh và công an cấp huyện đã phát hiện, đề xuất xử lý hành chính đối với 569 hành vi vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy của 438 cơ sở, phạt tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 48 cơ sở, đình chỉ hoạt động một cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an toàn PCCC&CNCH.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/12. Dự kiến, chiều nay (ngày 10/12) kỳ họp sẽ diễn ra phiên chất vấn với các vấn đề quan trọng.