Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước lập kỷ lục, vượt 65% dự toán
(Dân trí) - Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng tỉnh Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay ước đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng.
Sáng 9/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 11.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, kỳ họp lần này có khối lượng công việc lớn, bàn nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh trong năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.
Tại kỳ họp, các đại biểu lắng nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, giáo dục... trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Các đại biểu cũng xem xét quyết định 39 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, dịch Covid-19 tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm, cùng với đó là tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khiến giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Song, nền kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn ổn định, tăng trưởng khá toàn diện.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước. Trong đó, về nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33%; dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Ngoài ra, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ 10; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021.
Ngoài ra, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa - xã hội được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định. Trong năm 2022, Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 24.412 lao động; cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 1.470 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh còn khoảng 5,05%, giảm 1,72% so năm 2021. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế năm 2022 ước đạt 90%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn năm 2022 còn những khó khăn, hạn chế như tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học; việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở các địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để; tình hình mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp; các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.
Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/12.