1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ Công nhân phản đối Công ty cà phê Đắk Đoa:

Nhiều điều chưa rõ quanh những cọc tiền tỷ

(Dân trí) - Công nhân tự trả lương cho mình, tự trả tiền bảo hộ lao động, nhận khoán với nhiều rủi ro… là phương án giao khoán “vừa cứng, vừa mềm” được cho là từ khoản nợ “khủng” 22 tỷ đồng “bỗng dưng” xuất hiện.

Con số 22 tỷ này, cũng như nhiều con số tỷ mập mờ khác được Công ty đưa ra để lý giải cho việc công nhân phải làm việc mà không được hưởng lương, bảo hộ lao động, tự nộp bảo hiểm với mức 9,5% lương (trên giấy!) và hàng năm phải nộp hơn 7 tấn cà phê tươi/ha được giao khoán.


22 tỷ đồng và những con số tỷ mập mờ

Trong Phương án giao - nhận khoán sản xuất cà phê giai đoạn 2011- 2015, của Công ty Cà phê Đắk Đoa, có nhắc đến số nợ 22 tỷ đồng từ Công ty cà phê Ia Sao chuyển sang. Đây chính là nguyên nhân mà hàng trăm công nhân cho rằng phương án khoán mới đã đẩy họ vào bước đường cùng, vì bỗng dưng họ phải “gánh” một khoản nợ từ “trên trời” rơi xuống.


Giải thích cho con số này, ông Lê Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Cà phê Đắk Đoa cho biết, đây chính là số nợ mà công ty vay để đầu tư cho cà phê trước khi sáp nhập vào Công ty Ia Sao năm 2005.

 

"Đến tháng 4/2011, Cty Cà phê Ia Sao giải thể thì lại chuyển số nợ cũ này lại cho Cty Cà phê Đắk Đoa là điều đương nhiên", đại diện Công ty Đắk Đoa cho biết.


Cũng theo lý giải của ông Ánh: không chỉ trong phương án giao khoán mới này công nhân phải trả lãi cho khoản nợ vay để đầu tư, mà từ trước đến nay công nhân cũng đều phải trả. Chỉ có điều, trong phương án giao khoán cũ, Công ty Cà phê Ia Sao là Công ty lên kế hoạch giao khoán đã tính số nợ này vào chung sản lượng công nhân phải nộp là 11.300kg/ha/năm rồi.


Nói về khoản nợ này, ông Nguyễn Hữu Vững, công nhân của Công ty không giấu được sự ngạc nhiên: “Chúng tôi đã làm ở đây hàng chục năm, trong phương án giao khoán cũ của những năm trước chúng tôi không hề được nghe hay nhắc đến khoản nợ nào liên quan đến nợ 22 tỷ đồng, chúng tôi cũng không thấy mình phải trả gốc hay lãi gì cho cái khoản nợ này cả. Chỉ đến bây giờ, khi Công ty Cà phê Ia Sao giải thể vì nợ chồng chất, thì ông Lê Ngọc Ánh về đây làm giám đốc, cũng là lúc bỗng dưng chúng tôi có một khoản nợ khổng lồ 22 tỷ đồng này”.


Ngoài việc phải “gánh” khoản nợ 22 tỷ đồng trong phương án giao khoán mới, các công nhân còn bức xúc vì nhiều con số "bạc tỷ" chưa rõ ràng khác.
 
Nhiều điều chưa rõ quanh những cọc tiền tỷ - 1
Mặc dù lãnh đạo Công ty cà phê Đắk Đoa thừa nhận có "tính nhầm" trong phương án giao khoán, nhưng đại diện Vinacafe vẫn "chốt hạ" là phải thực hiện.

 

Đơn cử, trong bảng tổng hợp chi phí sản xuất cho 1ha cà phê/năm, công ty đã đặt thêm khoản gần 15 tỷ đồng khấu hao tài sản cố định khác, để bắt công nhân phải đóng trong sản lượng cà phê. Điều này cũng gây bức xúc cho công nhân, bởi theo định giá của công ty thì giá trị của vườn cà phê kinh doanh chỉ có 116.000.000 đồng/ha, trong khi tổng diện tích cà phê giao khoán chỉ 320 ha.


Khi hỏi về số tiền này khó hiểu này, ông Ánh đã trả lời trong buổi họp với công nhân là “sai rồi, tính nhầm rồi” (?!). Khi công nhân hỏi: “Một năm đã nhầm gần 15 tỷ rồi, thì trong 5 năm công ty nhầm bao nhiêu tỷ, và số tiền này ai phải gánh?”. Lúc này ông Ánh và ban lãnh đạo ngồi im, rồi giải tán cuộc họp!


"Chắc lép" với công nhân


Số nợ 22 tỷ đồng và những khoản tiền “tính sai, tính nhầm” trong phương án giao khoán mới, đều được công ty tính vào số vốn 64,5% công ty bỏ ra và tương đương với sản lượng cà phê 7.286 kg/ha/năm mà công nhân phải nộp cho công ty. Còn 34,5 %, vốn đầu tư còn lại như: chi phí nhân công, chi phí tiền bảo hộ lao động, tiền lãi và gốc nếu ứng lương (trên giấy) là công nhân phải tự bỏ.


“Trung bình 1ha cà phê chúng tôi chỉ thu được từ 6-8 tấn, vậy nộp cho Công ty gần hết, chúng tôi không được trả lương thì chúng tôi lấy gì mà sống? Công ty quá khôn khi lấy phần chắc về mình, đẩy hết rủi ro cho công nhân. Nếu mất mùa sản lượng của chúng tôi sẽ thiếu rất nhiều, chúng tôi lấy gì để bù vào khoản thiếu sản lượng đây? Thiếu sản nộp cho công ty đồng nghĩa với việc công nhân nợ nần từ năm này sang năm khác!”, một công nhân nói trong nước mắt.


Ngoài ra, mỗi ha cà phê công nhân phải nộp thêm 1 tạ với lý do để công ty dùng thưởng tết, thưởng 2/9… cho công nhân! Khắp thế giới này có bao giờ mình tự nộp tiền túi của mình rồi người khác lấy tiền đó đi thưởng cho mình không?”, chị Nguyễn Thị Trà - một công nhân khác hỏi.


Chính vì cách giao khoán không đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của công nhân, một số gia đình nhận phải ha cà phê xấu, liên tục bị thiếu sản lượng và mang nợ với công ty nên họ đã phải trả lại diện tích cho công ty.
 
Nhiều điều chưa rõ quanh những cọc tiền tỷ - 2
Lô cà phê nhà chị Hoa ít quả khiến số nợ của chị với công ty ngày càng nhiều, buộc chị đã phải trả lại lô.

 

“Phương án cũ có lương mà gia đình tôi đã nợ chồng chất vì không đủ sản lượng để trả cho công ty, chứ nói gì đến phương án mới. Vì vậy tôi đã trả lại cà phê cho công ty mấy tháng nay rồi”, công nhân Phạm Thị Hoa nói.

 

Bức xúc của công nhân vẫn chưa được giải tỏa, và nhiều câu hỏi khác vẫn chưa nhận được câu trả lời hợp lý. Thay vào đó, công nhân chỉ nhận được câu khẳng định mang tính "tối hậu thư" của ông Nguyễn Văn Trương - Phó Tổng giám đốc Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe): “Đến ngày 30/10 này, ai không kí vào hợp đồng nhận khoán mới thì tôi sẽ thu lại lô”.
 
Thiên Thư