1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai:

Công nhân dãi nắng dầm mưa phản đối công ty cà phê Đắk Đoa

(Dân trí) - Suốt 1 tuần nay, hơn 200 công nhân Công ty cà phê Đắk Đoa (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) bất chấp nắng mưa, tập trung về trụ sở công ty yêu cầu được gặp Ban lãnh đạo giải thích rõ hợp đồng giao khoán mà công ty đơn phương đặt ra.

Nấu cháo trắng cầm hơi chờ lãnh đạo

PV báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của tập thể công nhân Công ty cà phê Đắk Đoa, về việc công ty đơn phương ra phương án hợp đồng giao khoán mới mà theo đó công nhân không được nhận lương, phải tự đóng bảo hiểm và đẩy công nhân đến cảnh bần cùng.

Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty đã ra kế hoạch 5 năm (2011- 2015) giao khoán 320,73 ha cà phê kinh doanh cho hơn 300 công nhân, với một phương án mới được gọi là “nửa cứng, nửa mềm”. Người nhận khoán phải nộp 7.286 kg quả tươi/ha/năm; không được nhận lương như trước đây; phải nộp thêm 9,5 % tiền bảo hiểm ứng với bậc lương.

Theo đơn, PV đã tới trụ sở Công ty Đắk Đoa ngày 30/9 và chứng kiến cảnh hơn 200 công nhân tụ tập chờ câu trả lời của lãnh đạo. Đó là ngày thứ tư số công nhân này tập trung ở đây, nấu cháo trắng ăn tại chỗ để gặp bằng được lãnh đạo công ty, và đến sáng 30/9 họ nhận được lịch hẹn gặp mặt với ông Nguyễn Văn Trương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam.
 
Công nhân dãi nắng dầm mưa phản đối công ty cà phê Đắk Đoa - 1
Công nhân góp gạo nấu cháo trắng và uống nước lọc ngay tại trụ sở công ty để chờ đợi gặp ban lãnh đạo
 
Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ ngày 30/9, một đại diện của công ty đến gặp công nhân và thông báo hủy cuộc gặp, giải tán công nhân với lý do công nhân mất trật tự nên không làm việc được.

Các công nhân lại kéo nhau ra sân nấu cháo trắng tự phục vụ, để chờ một lời giải thích về hợp đồng giao khoán “nửa cứng, nửa mềm”. Đến hơn 12 giờ, Ban lãnh đạo công ty cà phê Đăk Đoa định rời khỏi công ty, nhưng vì cả Giám đốc Công ty Cà phê Đắk Đoa và Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam chưa giải thích vấn đề cho công nhân nên họ đã không đồng ý cho hai ông này đi.

Sau đó, cả hai ông quay trở lại và “cố thủ” trong phòng đến 17 giờ chiều, mặc cho công nhân đội nắng, đứng mưa để chờ đợi những câu trả lời. Chỉ đến khi họ hẹn gặp công nhân vào sáng 1/9, thì công nhân mới chịu đi về.

Tuy nhiên, trong buổi họp sáng 1/9, mọi vấn đề về phương án “nửa cứng, nửa mềm” vẫn chưa được thay đổi.

Hợp đồng giao khoán bóp nghẹt công nhân

Trong tâm trạng bức xúc và lo lắng, ông Nguyễn Xuân Nho (công nhân sản xuất số 4) cho biết: “Phương án giao khoán trước đây chúng tôi nhận khoán 11.300kg quả tươi/ha/năm đã là quá sức đối với những ha bị sâu bệnh, thời tiết không thuận lợi… công nhân không nộp đủ khoán sản nên bị trừ lương, nợ nần nối tiếp nhau.
 
Công nhân dãi nắng dầm mưa phản đối công ty cà phê Đắk Đoa - 2
Hàng trăm công nhân đang hoang mang không hiểu nên ký hợp đồng giao khoán hay chấp nhận bị tước mất các quyền lợi hợp pháp của người lao động

Nhưng bù lại chúng tôi được trả lương công nhân, thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… còn phương án giao khoán mới này công nhân không được nhận lương, thưởng khi vượt khoán và phải tự mình đóng bảo hiểm cho mình”.

Anh Nguyễn Hữu Vững (công nhân đội sản xuất số 2) cho biết thêm: “Hàng tháng người nhận khoán ngoài trách nhiệm đóng 9,5% bảo hiểm theo bậc lương còn phải nộp khoản chênh lệch giữa bậc lương đăng ký đóng bảo hiểm theo Luật Lao động với bậc lương công việc mà phương án khoán mới theo kiểu “vừa cứng, vừa mềm” do công ty mới xây dựng.

Chẳng hạn một công nhân bậc 5, với hệ số bậc lương là 3,18 nếu ký hợp đồng giao-nhận khoán này họ sẽ phải đóng bù các chế độ bảo hiểm mỗi năm hơn 7,5 triệu đồng… trong khi lương thì không được nhận. Công nhân đổ mồ hôi trên lô cà phê, vừa lao động theo kiểu không lương lại vừa mang nhiều khoản nợ như vậy đến vụ thu hoạch chúng tôi lại càng nợ nần chồng chất”.

Theo nhiều công nhân, với năng suất bình quân của diện tích cà phê này, nhiều công nhân khi theo hình thức giao khoán cũ đã phải mua thêm cà phê để bù vào cho đủ khoán. Nhiều họ đã đề xuất với Tổng công ty và các cơ quan nắm lại năng suất, diện tích và xác định lại mức giao khoán phù hợp.

Tuy nhiên, khi đề xuất này chưa được thực hiện, thì hình thức giao khoán mới được đưa ra, được công nhân cho là đẩy họ vào con đường cùng cực vì họ gần như làm việc không công và không có nguồn thu nhập để sống vì toàn bộ số cà phê làm được chỉ đủ để nộp cho công ty.

Trong số hơn 300 công nhân của Công ty, có rất nhiều người đã cống hiến gần trọn đời trên mảnh đất của Công ty từ thời còn là Xí nghiệp nông công trường chè Đắk Đoa. Đến năm 1999, Xí nghiệp chè này làm ăn thua lỗ, chuyển đổi sang trồng cà phê và thành lập thành Công ty này. Năm 2005, Cty cà phê Đắk Đoa sáp nhập vào Công ty Cà phê Ia Sao, thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Đến 4/2011, Cty Cà phê Ia Sao giải thể và Cty Cà phê Đắk Đoa lại tách ra, kèm theo nhiều hệ lụy mà có thể đó chính là nguyên nhân của hợp đồng giao khoán tréo ngoe này.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm