1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhật hạ giá đồng Yên để xuất khẩu?

Tuần qua, giá đồng Yên Nhật Bản (JNY) đang hạ ở mức kỉ lục, thấp nhất trong vòng 32 tháng trở lại đây. Nhiều người cho rằng đồng Yên mất giá là chủ định của Tokyo trong chiến lược kích thích xuất khẩu, nhiều ý kiến khác lại cho rằng bắt nguồn từ xu hướng xuất ngoại mới của giới đầu tư nhỏ.

Theo đánh giá của giới phân tích, thị trường tiền tệ Nhật Bản đang đứng trước áp lực ngày một gia tăng xu hướng mang tiền ra nước ngoài đầu tư của người dân Nhật Bản.

Hơn một thập kỉ đình trệ trong sản xuất, tuy kinh tế Nhật có khởi sắc trong mấy quý gần đây song khi đem so với mức tăng trưởng 1% thì người dân nước này thấy chẳng được lợi bao nhiêu nếu đem tiền đi đầu tư, mua cổ phiếu ở các nền kinh tế đang phát triển mạnh ngay trong khu vực.

Cội nguồn đổi thay

Xu hướng mới này dường như lại càng được ưa chuộng hơn khi mà mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thi nhau nâng lãi suất.

Để thỏa mãn cơn khát lợi nhuận, người dân cũng như giới đầu tư Nhật Bản buộc phải bán Yên đổi lấy USD hay EUR dùng cho việc mua cổ phiếu, đầu tư sản xuất vào các thị trường nước ngoài, dẫn đến thị trường tiền tệ trong nước thừa cung.

Đây chính là nguyên nhân khiến đồng Yên không thể giữ vững giá trị trong mấy ngày qua, cũng như trong thời gian tới, cho dù xu hướng này sẽ dẫn tới đụng độ lợi ích với đồng minh lớn từ Bắc Mỹ. Khi được hỏi về mức độ tác động của việc đồng Yên suy yếu, giới phân tích cho rằng xu hướng mới sẽ tác động mạnh tới thị trường tiền tệ cũng như đầu tư trên thế giới, đặc biệt là đối với các nền kinh tế khu vực.

Bởi vì, không như nơi khác, dự trữ tiền của người dân Nhật là rấët lớn. Người ta ước tính trị giá tài sản của riêng các hộ gia đình Nhật cũng lên tới 12 nghìn tỉ USD, đây thực sự là vũng tiền lớn nhất thế giới dành chờ đầu tư.

Được - mất từ đồng Yên

Tại Tokyo, đồng Yên đang được giao dịch ở mức 121,39 JNY/USD, tức là giảm 16% giá trị nếu đem so với tỉ lệ trao đổi 101,68 JNY/USD hồi tháng 1. Đây cũng là tỉ lệ thấp nhất kể từ tháng 3/2003 trở lại đây.

Trong khi người ta hi vọng việc mở hầu bao của các nhà đầu tư nhỏ Nhật Bản sẽ tạo ra cú huých mới trên thị trường tài chính khu vực và thế giới, thì không ít ý kiến cũng tỏ vẻ quan ngại trước thực trạng này. Rõ ràng, một đồng Yên yếu sẽ giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản dễ dàng hơn khi đem hàng ra thị trường quốc tế.

Nhưng, sự vui mừng của các nhà sản xuất từ Nhật Bản lại là tin không mấy tốt lành đối với các nhà sản xuất khu vực, thậm chí cả với các nhà sản xuất Mỹ. đồng Yên hạ giá, đồng nghĩa với sự suy yếu sức mua của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Cánh cửa cho hàng hóa từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào thị trường Nhật Bản đang thu hẹp theo mức độ mất giá của đồng Yên.

Còn với Mỹ, các nhà sản xuất, nhất là các hãng ôtô ở quốc gia Bắc Mỹ chắc chắn sẽ không thể ngồi yên để các DN Nhật lợi dùng đồng Yên đang yếu ồ ạt bán hàng sang My, trong khi hàng Mỹ thì ứ lại do trở nên đắt đỏ nếu bán vào thị trường Nhật.

Người ta còn nhớ, đầu những năm 2000, hai đồng minh thân cận này đã từng lớn tiếng dọa trừng phạt nhau do Tokyo không chịu nâng giá trị đồng Yên khiến các nhà sản xuất xe hơi Mỹ thua đau ngay tại sân nhà.

Theo DĐDN