Nhật "bơm" tiền cho doanh nghiệp rời Trung Quốc: Lời giải ở phía Việt Nam!

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Nói về việc Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho 30 doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Lời giải nằm ở phía Việt Nam.

Tại Tọa đàm kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay (21/7), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng VEPR nói: Thông tin 30 doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ nước này, trong đó, 15 doanh nghiệp cũng có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang được khuyến khích mở rộng tại Việt Nam là tín hiệu vui, bước đầu cho thấy Việt Nam đang đón nhận luồng vốn mới, chất lượng hơn.

Nhật bơm tiền cho doanh nghiệp rời Trung Quốc: Lời giải ở phía Việt Nam! - 1

Chuyên gia kinh tế, PGS, TS.Nguyễn Đức Thành, cố vấn, nguyên Viện trưởng Viện VEPR 

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, ở thời gian đầu với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn: "Chúng tôi biết Trung Quốc đang có ý định cản trở doanh nghiệp rút khỏi nước này, bởi họ lo ngại việc hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này có thể gây hiệu ứng domino, phá hủy nền kinh tế nước này".

Ông Thành cho rằng, việc doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc do lo ngại bất ổn chính trị ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, điều này cũng xuất phát từ thực tế sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - nơi từng được xem là công xưởng của thế giới.

"Trung Quốc không dễ gì để nền kinh tế bị rút ruột, hiệu ứng doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy giống sự sụp đổ domino sẽ khiến nền kinh tế nước này chịu tổn thương sâu sắc, lao động mất việc, khủng hoảng kinh tế... Đây đều là vấn đề mà Trung Quốc phải ngăn chặn để giữ gìn cho nền kinh tế của mình", TS. Thành nói.

Cũng theo ông Thành, việc Chính phủ Nhật hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc để sang nước khác thể hiện sự quyết tâm chính trị của Nhật Bản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và công ty hỗ trợ, còn quyết định của đại doanh nghiệp lại hoàn toàn khác và chúng ta nên trông chờ vào tín hiệu thời gian tới.

"Việt Nam không phải là điểm đến lý tưởng, sự lựa chọn số 1 đáng mong đợi của doanh nghiệp lớn bởi chúng ta còn có nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..." - ông Thành thẳng thắn nói. 

Hơn nữa, chi phí sản xuất, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất của Việt Nam còn yếu kém so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, theo ông này, Việt Nam có hạn chế là sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, bộ ngành ở các nơi khác nhau, nơi có, nơi không; các chính sách được áp dụng tùy nghi và đặc biệt là cơ chế làm việc hành chính và tình trạng tham nhũng vẫn còn đã khiến Việt Nam mất điểm trong mắt các nhà đầu tư lớn.

"Lời giải ở phía Việt Nam, chúng ta phải tự cải thiện chính mình, từ thể chế, vai trò lãnh đạo địa phương, đặc biệt là chuỗi cung ứng, sản xuất cần hoàn thiện hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia đặt chân", ông Thành cho hay.

Mới đây, thông tin 30 doanh nghiệp Nhật Bản được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ để rời khỏi Trung Quốc theo chương trình "Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài", theo hai nhóm doanh nghiệp với số tiền tối thiểu 100 triệu yên và 5 tỷ yên.

Đáng chú ý, trong 30 doanh nghiệp đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di dời sang khu vực Đông Nam Á lần này, có đến 15 doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế như găng tay, mặt nạ, áo choàng y tế, vải y tế, linh kiện động cơ.

Theo đại diện tổ chức Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), những doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ rời khỏi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được khuyến khích mở rộng hoạt động, tăng công suất sản xuất tại Việt Nam.

Nếu trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng có trụ sở, chi nhánh tại Trung Quốc chuyển về hoạt động tại Việt Nam thì việc chuyển dịch này sẽ tăng "chất" cho đầu tư của vốn Nhật Bản, đồng thời chứng tỏ Việt Nam có lợi thế so sánh so với nhiều quốc gia khác.

Hiện Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ 2 (sau Singapore) ký kết Hiệp định tự do song phương với EU (EVFTA), đồng thời Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với các hiệp định FTAs thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã và đang mở ra cơ hội lớn cho hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với thuế suất cắt giảm theo lộ trình về 0% trong từ 5 đến 10 năm tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng đầu tư, gia tăng lợi ích kinh doanh.