Nhật Bản: Đối tác kinh tế hàng đầu và toàn diện của Việt Nam

An Linh

(Dân trí) - Vốn đầu tư của Nhật Bản luôn chiếm hàng đầu tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp, công nghệ cao và các dự án hạ tầng đặc biệt quan trọng.

Đa dạng các loại hình đầu tư

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế hết tháng 9/2020, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 59,8 tỷ USD vào hơn 4.500 dự án ở Việt Nam, đứng thứ 2 sau các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nhật Bản: Đối tác kinh tế hàng đầu và toàn diện của Việt Nam - 1

Cầu Nhật Tân, biểu tượng mới của đối tác Việt - Nhật

Đáng chú ý, dòng vốn Nhật đổ vào Việt Nam chủ yếu vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp, công nghệ cao, hình thành nên nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đặc thù của các địa phương. Điển hình như Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng), Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); gần đây mở ra nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương hay TP. HCM.

Sau hơn 30 năm, đất nước Đổi mới (kể từ năm 1986), Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên rót vốn mạnh vào Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội việc làm, giao thương của Việt Nam với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

Hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật đã hợp tác đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, tiêu dùng, bất động sản khu đô thị, khu công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng và đặc biệt là y tế và giáo dục.

Các thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản bằng nhiều cách khác nhau như đầu tư trực tiếp, mua cổ phần, đầu tư bằng công ty con đã vào Việt Nam từ nhiều năm, đơn cử như Honda, Toyota, Mitsubishi, Panasonic, Daikin, Sony, Mitsubishi UFJ.

Nhà đầu tư hạ tầng số 1 tại Việt Nam

Nói đến quan hệ đối tác Việt Nam, phải nhắc đến những công trình hạ tầng mà Nhật Bản xây dựng ở Việt Nam bằng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi. Trong đó, nổi bật nhất là cầu Bãi Cháy (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) do liên danh Shimizu -Sumitomo - Mitsui Nhật Bản xây dựng, được khánh thành năm 2006. Vốn đầu tư cho dự án cầu này khoảng 105 triệu USD từ vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.

Cây cầu đặc biệt thứ 2 là Nhật Tân (Hà Nội) nối huyện Đông Anh vào trung tâm Hà Nội, có tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, từ vốn vay của Nhật Bản. Cây cầu là biểu trưng tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản do nhà thầu và kiến trúc sư Nhật Bản thiết kế và giám sát.

Cầu Cần Thơ cũng là cây cầu do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn vay ODA khoảng 340 triệu USD. Cây cầu là huyết mạch quan trọng tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài hỗ trợ, tài trợ vốn, cho vay vốn thông qua hiệp định giữa hai Chính phủ, Nhật Bản còn thông qua các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), JICA để tài trợ một số dự án hạ tầng, đường bộ tại Việt Nam.

Theo các số liệu thống kê, quan hệ thương mại, hiện Việt Nam với Nhật Bản có cán cân thương mại tương đối cân bằng, năm 2018 Việt Nam xuất đi Nhật hàng hóa trị giá 18,8 tỷ USD, nhập về hàng hóa trị giá 19 tỷ USD, thâm hụt thương mại 300 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam xuất sang Nhật hàng hóa trị giá hơn 20,3 tỷ USD, nhập về hàng hóa có kim ngạch hơn 19,5 tỷ USD, thặng dư cán cân thương mại 800 triệu USD.

Riêng 9 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt 14 tỷ USD hàng hoá, trong khi nhập về là hơn 14,6 tỷ USD.

Các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật chủ yếu là máy móc, xe hơi, thiết bị công nghệ, dây chuyền, vật liệu cho ngành công nghệ cao, linh phụ kiện... Trong khi, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được sang Nhật là sản phẩm điện tử thành phẩm, dệt may, giày dép, thực phẩm và hoa quả, rau xanh.

Một điểm đặc biệt là dù có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam, song thương mại hai chiều Việt - Nhật luôn cân bằng và có tính bền vững. Xuất siêu và nhập siêu từ Việt Nam hay Nhật Bản chỉ ở mức tương đối, không quá nặng nề, cho thấy các nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam có tính dài hạn, chuỗi sản xuất giá trị chuyên sâu.