Nhật Bản tăng mức trợ cấp, khuyến khích DN “thoát Trung” đến Đông Nam Á

Hương Vũ

(Dân trí) - Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chương trình khuyến khích các công ty Nhật mở cơ sở mới tại Đông Nam Á, công bố sẽ hỗ trợ tới 50% chi phí di dời.

Nhật Bản tăng mức trợ cấp, khuyến khích DN “thoát Trung” đến Đông Nam Á - 1

Nhiều doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào Đông Nam Á trong kế hoạch mở rộng nhà máy, đa dạng chuỗi cung ứng. Ảnh: Nikkei

Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho các khoản đầu tư sang Đông Nam Á đối với các công ty lớn và 2/3 chi phí đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Trợ cấp áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia cụ thể.

Động thái này nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại các quốc gia, chứ không phải lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc không được nêu tên trong kế hoạch nhưng mục tiêu dường như để giảm sự phụ thuộc vào đất nước này.

Đặc biệt hơn nữa, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ sớm công bố kế hoạch trên trong chuyến công du Đông Nam Á sắp tới.

“Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ đi thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du khởi đầu vào tuần tới”, Thủ tướng Suga thông báo tại phiên họp ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Theo Nikkei, việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á khi được ông chọn là điểm đến chính thức đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng. Tới Việt Nam và Indonesia, ông Suga sẽ kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á.

Nhật Bản tăng mức trợ cấp, khuyến khích DN “thoát Trung” đến Đông Nam Á - 2

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga lựa chọn Việt Nam là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Ảnh: Reuters

Chương trình này nhằm hỗ trợ các dự án liên quan đến việc mở rộng mạng lưới sản xuất sang các quốc gia thành viên ASEAN. Các kế hoạch liên quan đến việc rút khỏi một quốc gia nhất định sẽ có thể bị loại trừ.

Theo ông Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai, kế hoạch này không đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mặt khác, việc xây dựng một nhà máy mới ở một quốc gia Đông Nam Á trong khi vẫn duy trì hoạt động ở Trung Quốc, vẫn sẽ được coi là một hình thức đa dạng hóa đủ điều kiện.

Cũng theo Nikkei, chương trình này không nêu đích danh Trung Quốc bởi nếu làm vậy có thể khiến Tokyo bị chỉ trích bóp méo tự do thương mại.

Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất do chi phí thấp. Mức lương trung bình hàng năm cho một công nhân sản xuất là 5.956 USD ở Indonesia và 4.041 USD ở Việt Nam, so với gần 10.000 USD ở Trung Quốc.

Ngay cả trước khi trở thành Thủ tướng, ông Suga từng nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể. Lý do là các nhà sản xuất ô tô buộc phải đóng cửa nhà máy khi họ không thể có linh kiện từ Trung Quốc giai đoạn đầu Covid-19.

Chương trình trợ cấp đầu tiên của Nhật Bản cho năm tài chính 2020 dành 23,5 tỷ JPY (223 triệu USD) để giúp các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, mở rộng mạng lưới cung ứng của họ. Chính phủ đã phê duyệt 30 dự án trong vòng nộp đơn đầu tiên kết thúc vào tháng 6.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ khiến các doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc bị mắc kẹt hàng hóa khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trả đũa nhau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm