Nhận lỗi vụ máy bay bung thân, Boeing bị đẩy vào thế khó

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Lãnh đạo Boeing thừa nhận đã phạm sai lầm và cam kết rằng sự cố tương tự không tái diễn. Phía công ty cũng đang nỗ lực trấn an các hãng hàng không và khắc phục thiệt hại về danh tiếng.

Hôm 9/1, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun, đã lên tiếng về vụ nổ bảng điều khiển trên thân máy bay chở khách Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines.

Theo Reuters, ông Calhoun thừa nhận nhà sản xuất máy bay đã phạm sai lầm và cam kết làm việc với các cơ quan quản lý để đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra nữa.

Phát biểu trên là sự thừa nhận công khai đầu tiên của Boeing kể từ khi sự cố xảy ra. Ngày 5/1, chiếc Boeing 737 MAX 9 của Alaska Airlines chở 177 người đã hạ cánh khẩn cấp ngay sau khi cất cánh vì một phần thân của máy bay bị thổi bay trên không và để lại một lỗ thủng lớn ngay hàng ghế hành khách.

Theo các nguồn tin của Reuters, Boeing đã tiến hành kiểm tra rộng rãi hơn các hệ thống và quy trình.

Ông Calhoun cũng nói với các nhân viên rằng Boeing sẽ đảm bảo mọi chiếc máy bay tiếp theo bay lên bầu trời đều thực sự an toàn. Ông cũng ca ngợi phi hành đoàn của hãng Alaska Airlines đã nhanh chóng hạ cánh chiếc 737 MAX 9 và giữ an toàn cho tất cả người có mặt trên máy bay.

Nhận lỗi vụ máy bay bung thân, Boeing bị đẩy vào thế khó - 1

Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun (Ảnh: Reuters).

Bà Jennifer Homendy, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho biết cuộc điều tra tập trung vào sự cố của Alaska Airlines, không phải toàn bộ dòng 737 MAX. Boeing cho biết hãng này đồng tình với quyết định của FAA và sẽ hợp tác với cuộc điều tra.

Tuy nhiên, Alaska Airlines và United Airlines, 2 hãng hàng không Mỹ sử dụng dòng máy bay trên, sau đó đã tìm thấy các bộ phận lỏng lẻo trên các máy bay. Điều này làm dấy lên lo ngại sự cố như vậy có thể xảy ra lần nữa.

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết ban lãnh đạo của công ty đang nỗ lực trấn an các hãng hàng không. Ông Mike Fleming, Giám đốc phụ trách việc đưa dòng 737 trở lại hoạt động, đã tới trụ sở của Alaska Airlines ngay tối 5/1.

Boeing vẫn đang cố gắng khắc phục thiệt hại tài chính và danh tiếng sau 2 vụ rơi máy bay năm 2018 và 2019. Hai vụ việc có liên quan tới thế hệ MAX 8 của dòng máy bay 737.

Cuộc khủng hoảng này đã khiến Boeing sa thải CEO Dennis Muilenburg và đồng ý trả 2,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ theo thỏa thuận dàn xếp. 

Boeing được FAA cho phép tiếp tục giao hàng vào năm 2020 và đang cố gắng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu từ các hãng hàng không. Tuy nhiên, hãng vẫn bị bủa vây bởi các rắc rối về pháp lý và trục trặc trong việc sản xuất. Hồi năm 2021, một sự cố về điện khiến hơn 100 chiếc máy bay MAX bị cấm bay trong vài ngày.

Trong năm 2023, giá cổ phiếu Boeing đã phục hồi đáng kể, ghi nhận mức tăng hơn 30%. CEO David Calhoun khẳng định với các nhà đầu tư, khách hàng và nhà quản lý rằng công ty đang cải tổ hoạt động. 

Dòng Boeing 737, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1967, là máy bay chủ lực của nhiều hãng hàng không và có hàng loạt biến thể. Mẫu MAX 9 bán rất chạy vào năm ngoái, chiếm khoảng 20% đơn hàng giao vào năm 2023.

United Airlines và Alaska Airlines nằm trong số những hãng sử dụng nhiều máy bay MAX 9 nhất. Chiếc máy bay gặp sự cố tuần trước chỉ mới được đưa vào sử dụng sau khi được FAA chứng nhận vào tháng 11.

Bất chấp những trục trặc trong khâu sản xuất của Boeing vài năm gần đây, các hãng hàng không vẫn rất mong muốn có được các mẫu MAX mới hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn so với loại máy bay cũ mà họ sắp ngừng sử dụng.

Trong vài tháng qua, Boeing đã ký vài hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với một số hãng hàng không lớn, bao gồm Lufthansa của Đức và Ryanair của Ireland.

Theo Reuters, WSJ