Nhận diện tờ polymer 500.000 đồng giả
Tháng 8, cơ quan công an đã phát hiện một số vụ vận chuyển tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng ở một số tỉnh phía Bắc. Tại TPHCM, một số ngân hàng cũng đã phát hiện tờ tiền giả polymer 500.000 đồng. Có thể nhận diện loại tiền giả này dựa vào những đặc điểm nào?
Theo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tờ tiền giả polymer 500.000 đồng có kích thước bằng với tờ tiền thật (152x65 mm).
Tuy nhiên người dân có thể tự nhận biết tờ tiền giả bởi các đặc điểm: tờ tiền giả dày, được làm bằng nilon nên khi vò sẽ bị nhăn và xé thì rách.
Mặt trước của tờ tiền giả polymer 500.000 đồng có màu nhạt tái, sờ tờ tiền có cảm giác trơn, bóng; chữ “Việt Nam” trong dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” in to hơn tờ tiền thật; bóng chìm hình Bác Hồ nhìn góc nào cũng rõ nét.
Số 500.000 trên cửa sổ lớn trong suốt sờ không nhám, chữ số dập nổi không rõ, thô. Mực biến màu không đổi màu; màu sê-ri tiền nhạt; dây an toàn không có dòng chữ “NHNNVN” (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-PV); màu sắc hồng quanh chân dung Bác Hồ đậm hơn tờ thật; chữ “năm trăm nghìn đồng” in lem; những điểm in nổi trên tờ tiền giúp người khiếm thị nhận biết sờ không nhám.
Mặt sau nhìn tổng thể màu nhạt hơn, những hoa văn dưới chữ số 500.000 in đậm, phong cảnh nhà Bác Hồ ở Kim Liên in nhòe.
Trao đổi với phóng viên về một số trường hợp do độc giả, doanh nghiệp phản ánh đã nhận phải tiền giả khi đến giao dịch với ngân hàng, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết: “Trường hợp phát hiện tiền giả, nhân viên ngân hàng phải lập biên bản để xử lý.
Nếu nói nhân viên ngân hàng đưa tiền giả ra thì phải có chứng cứ do đó khi giao dịch với ngân hàng, khách hàng nên kiểm tra tiền trước khi rời quầy.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo các ngân hàng cũng cần lưu ý đến vấn đề đạo đức của những nhân viên. Để tránh rủi ro tiền giả, các doanh nghiệp, cá nhân nên thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng”.
Theo Thanh Xuân
Báo Thah niên