1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhâm Thìn và khát vọng hóa Rồng

Đón tết con Rồng, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực cải cách và vươn lên mạnh mẽ. Từ đó, niềm tin vào khả năng vượt khó thành công, duy trì phát triển nhanh và mạnh để hóa rồng.

Năm Rồng, trong tâm thức của người Việt luôn là một năm của sự đột phá, thăng hoa để có ạch những thành quả tốt đẹp, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới, thành công mới. Tết Nhân Thìn đến, trong bộn bề lo lắng và toan tính cho một năm đầy thách thức, người Việt vẫn bản lĩnh chọn cho mình sự đột phá để đi lên mạnh mẽ hơn. Đón Nhâm Thìn, chúng ta lại nhớ đến ước mong và là khát vọng hóa rồng của Việt Nam.

 

Kinh tế Việt Nam hóa rồng là điều đã sớm xuất hiện trong nhiều nghiên cứu về đổi mới và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau thành công ngoạn mục của đổi mới và duy trì được sự tăng trưởng cao liên tục... Việt Nam đã thuyết phục được cả thế giới về hướng đi đúng đắn sẽ đưa chúng ta đi lên theo hướng rồng bay.

 

Tiếp theo đó, đầu thế kỷ 21, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục mạnh mẽ, niềm tin hóa rồng càng được củng cố khi Việt Nam thể hiện quyết tâm lớn trong cải cách kinh tế và nỗ lực hội nhập. Đỉnh cao của quá trình đó được đánh dấu bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 

Nhâm Thìn và khát vọng hóa Rồng - 1
Khát vọng hóa rồng của Việt Nam sẽ tiếp tục bị thách thức.

 

Đó cũng chính là thời điểm, rất nhiều dự báo với sự kỳ vọng, niềm tin vào sự bứt phá đi lên của Việt Nam. Đã có những dự báo về những "con hổ kinh tế", "con rồng" mới của thế giới có tên Việt Nam. Ngay trong nước, với một tảng kinh tế được tạo dựng sau 20 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì, thành cộng trong hội nhập kinh tế và quyết tâm cải cách cũng khiến cho chúng ta tin rằng, ước mong hóa rồng của kinh tế Việt Nam đang đến rất gần.

 

Tuy nhiên, ngay khi chúng ta đang hưng phấn thì đã vấp phải những thách thức và phải tìm nhiều cách chống đỡ vất vả. Thời kỳ khó khăn đó đến ngay sau khi chúng ta vừa có được những thành công, mở ra những cơ hội lớn và còn kéo dài cho đến hôm nay khiến cho sự lạc quan và hứng phấn đã đần lùi lại, thế vào đó là những bất ổn và lo lắng.

 

Giai đoạn khó khăn bắt đầu từ 2008 khi khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam khiến nền kinh tế gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Khi những khó khăn từ bên ngoài chưa hết thì kinh tế Việt Nam lại đối mặt với những nguy cơ ngày càng lộ diện rõ từ bên trong: lạm phát tăng cao và bất ổn vĩ mô vốn lớn dần... Tình hình đó, buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều chính sách chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô. Dưới tác động của khó khăn kinh tế và điều chỉnh chính sách, kinh tế Việt Nam 2011 đã chứng kiến khó khăn bộc lộ trên rất nhiều mặt và thực tế này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2012.

 

Cũng từ giai đoạn khó khăn trên, những lời khen đẹp đẽ, những dự báo lạc quan đã không còn được dành nhiều cho Việt Nam. Thay vào đó là liên tiếp những cảnh báo về lạm phát, bất ổn vĩ mô và nhất là sự mất điểm của môi trường kinh doanh khiến khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị suy giảm.

 

Xoay trần đối phó với những tác động bên ngoài và khó khăn bên trong, dường như ước mong hóa rồng cũng ít được nhắc đến. Con đường hóa rồng của Việt Nam tưởng như trở nên xa hơn khi tất cả đang đều lo lắng và co cụm để che chắn, tìm kiếm sự an toàn trong khó khăn hơn là mở rộng và tăng trưởng. Câu hỏi, bao giờ khát vọng hóa rồng của Việt Nam trở thành hiện thực thật khó để trả lời và nó dường như không thích hợp vào lúc này.

 

Khó khăn nhưng không thể tuyệt vọng. Trong giai này, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến bước khi tăng trưởng vẫn được duy trì hợp lý, thuộc top cao của thế giới; xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, các nền tảng cơ sở cho phát triển được tạo lập... Việt Nam đã chính thức bước vào ngưỡng các nước thu nhập trung bình trên thế giới. Vị thế trong các mối quan hệ quốc tế ngày được khẳng định

 

Mới đây, một khảo sát đối với các DN châu Á - Thái Bình Dương đã cho rằng đến 2025, Việt Nam sẽ trở thành một trong 5 nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu. Mới đây nhất, trong báo cáo mang tên "The world in 2050" (Thế giới năm 2050), Ngân hàng Anh quốc HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vòng 40 năm tới, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo trên 5% mỗi năm. với quy mô GDP 451 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 4.355 USD/năm. Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

 

Không phải vô lý mà Việt Nam vẫn được xem là một điểm đầu tư lý tưởng, một nền kinh tế có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất... và đặc biệt, chúng ta đã trở thành một nhân tố được tính đến trong nhiều cuộc chơi kinh tế quốc tế và được chú ý trong bản đồ cạnh tranh kinh tế thế giới tương lai. Và những dự báo trên có thể khá dài trong thương lai 15 - 30 năm nữa. Nhưng cũng sẽ rất ngắn nếu nhìn lại chặng đường đổi mới Việt Nam đã đi qua. Và chúng ta tin rằng, chặng đường mới sẽ được đi nhanh hơn khi có những kinh nghiệm và nguồn lực của thời kỳ đổi mới.

 

Điều đặc biệt là trong khó khăn chúng ta vẫn nhận thấy những thay đổi quyết liệt, những nỗ lực mạnh mẽ để tiếp tục tạo lập nền tảng, chuyển hướng và khởi động cho một chu trình mới bền vững và mạnh mẽ hơn. Đó là điều hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định ý chí, hành động để hiện thực hóa khát vọng của mình.

 

Nhâm Thìn và khát vọng hóa Rồng - 2
Nỗ lực cải cách thành công sẽ đưa Việt Nam vượt vũ môn.

 

Sự khởi đầu cho một chu trình mới đã được khẳng định khi Việt Nam đã đặt quyết tâm để tái cơ cấu nền kinh tế. Trong khó khăn bộn bề và thách thức của 2011, Việt Nam cho thấy một sự sáng suốt mà quyết tâm lớn khi đã thiết kế một chương trình tái cơ cấu rộng lớn để tạo ra thay đổi trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

 

Và 2012 được xem là thời điểm của hành động, của hy vọng. Chưa thể có sự chuyển động đột biến để thành hổ hay hóa rồng nhưng  tái cơ cấu với sự đồng thuận cao sẽ tạo ra khả năng nền kinh tế sẽ chuyển mình để có thể tiếp tục phát triển, đi lên bền vững được.

 

Người Việt Nam thường nói, "cá chép hóa rồng". Tuy nhiên, để hóa được rồng, con cá chép cần phải tích lũy sức mạnh, rèn luyện ý chí để vượt "vũ môn" .

 

Trong quá trình hơn 20 năm đổi mới, đã có rất nhiều thách thức chúng ta đã vượt qua nhưng có lẽ tình huống hiện tại với cả những tác động bất lợi bên ngoài và bất ổn bộc lộ từ bên trong chính là thách thức lớn nhất, mà chúng ta phải vượt qua để bước lên một giai đoạn phát triển mới. Tết Nhâm Thìn, tết trỗi dậy của khát vọng và hành động cho ước mơ hóa rồng.

 

Đón 2012, tết Nhâm Thìn trong xoay xở, đắp vá của khó khăn nhưng chúng ta vẫn có những cơ cơ sở để vững tin đi tới và khát vọng hóa rồng lại trỗi dậy từ trong khó khăn nhất. Thách thức hiển hiện, khó khăn cản bước mắt nhưng với hành động quyết liệt cho mục tiêu tái cơ cấu, chúng ta sẽ hội tụ được quyết tâm và nguồn lực để vượt vũ môn, hiện thực khát vọng hóa rồng. Tết trong khó khăn, cũng là tết của quyết tâm vượt khó để hướng đến mục tiêu cất cánh đưa đất nước đi đến cường thịnh.

 

Theo Lê Khắc
VEF
Dòng sự kiện: Xuân Nhâm Thìn 2012