1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc sắp đóng cửa, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu giờ là gì?

(Dân trí) - Samsung Quảng Đông là nhà máy điện thoại thông minh khổng lồ cuối cùng của Hàn Quốc tại Trung Quốc, nhưng nó sẽ sớm đi theo các cơ sở ở Thiên Tân và Thâm Quyến – ngừng hoạt động và chuyển sang các quốc gia khác.

Vào thời hoàng kim, khu phức hợp Samsung tại Quảng Đông, ở phía bắc của Châu thổ sông Châu Giang là công ty lớn nhất của Hàn Quốc, nhà máy này sản xuất 1/5 số điện thoại thông minh được bán tại Trung Quốc vào năm 2011.

Nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc sắp đóng cửa, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu giờ là gì? - 1
Nhà máy Samsung tại Quảng Đông, Trung Quốc

Bây giờ, các cửa hàng nhỏ và nhà cung cấp bao quanh khu phức hợp rộng lớn này - tâm điểm của cộng đồng dân cư nơi đây trong 27 năm - đã hoàn toàn im ắng và một thông báo được đăng trên cổng ngày 28 tháng 2 nói rằng việc tuyển dụng đã bị đình chỉ.

Thực tế, kể từ tháng Hai sau Tết Nguyên đán, ngày càng nhiều cư dân của thị trấn Chenjiang gần đó, từ doanh nhân, người bán hàng rong, công nhân, đến nhân viên bảo vệ tại các nhà máy gần đó, đã nghe và lan truyền tin đồn rằng Samsung sẽ đóng cửa phần lớn nhà máy trong những tháng tới.

Quảng Đông Samsung là nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sau khi công ty đóng cửa cơ sở tại Thiên Tân vào tháng 12, và ngừng sản xuất thiết bị mạng vào đầu năm 2018 tại nhà máy ở Thâm Quyến.

“Đèn đường phố ở đây đã từng được trang trí với biển quảng cáo bắt mắt của Samsung. Bây giờ tất cả đã biến mất”, Steve Huang, một kỹ sư đã làm việc tại nhà máy này được 17 năm cho biết.

Huang rất quan tâm đến vấn đề tương lại về công việc của chính mình, vì anh cho biết số lượng nhân viên tại nhà máy đã giảm xuống còn khoảng 4.000 so với khoảng 9.000 vào năm 2013 - khi Samsung còn xếp thứ 1 tại Trung Quốc với thị phần 20% thị trường điện thoại thông minh.

Năm ngoái, thị phần của hãng đã giảm xuống chỉ còn 1% trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc bao gồm Huawei, Xiaomi và Oppo.

“Tháng trước, tôi nghe nói rằng một vài trăm công nhân đã nhận được khoản bồi thường từ khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.400 đô la Mỹ) đến hơn 100.000 nhân dân tệ (14.400 đô la Mỹ) tùy thuộc vào số năm phục vụ và rời Samsung,” một chủ nhà địa phương đã nói.

Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trong quý đầu tiên của năm 2019, xuất khẩu điện thoại thông minh Samsung Quảng Châu đã giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Sự sụp đổ của Samsung Trung Quốc cũng làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về tương lai kinh tế của Trung Quốc và vai trò của đất nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Và trong khi Samsung phải chịu một phần trách nhiệm vì đã mất thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc, vì dịch vụ của họ không theo kịp các thương hiệu địa phương của Trung Quốc, thực tế là công ty đang đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc nhưng mở rộng sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ.

Sự dịch chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và thậm chí cả Châu Phi, đặc biệt là sản xuất thâm dụng lao động và lắp ráp tương đối thấp, đã diễn ra ít nhất một thập kỷ do chi phí lao động và cho thuê tăng, thuế cao và nền kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Nhưng quá trình chuyển dịch này đã có dấu hiệu tăng tốc rõ ràng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc gần một năm trước.

Kế hoạch rời khỏi Trung Quốc của Samsung cùng với tin một số công ty công nghệ Mỹ như Cisco và Oracle có kế hoạch cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc, có thể có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và việc làm trong nước của Trung Quốc cũng như vị thế của nó trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tất cả những chiếc iPhone đều có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết”. Foxconn, nhà lắp ráp iPhone và iPad lớn nhất thế giới đã thông báo.

Các luồng thương mại, ví dụ như việc Trung Quốc nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan để lắp ráp và sau đó tái xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu và Mỹ, đã giảm.

Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã giảm 13,1% trong năm tháng đầu năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 6,7% và từ Đài Loan giảm 6,9%.

Bern Optical, một nhà máy Hồng Kông ở Quảng Đông, chuyên cung cấp kính cho các sản phẩm của Apple và Samsung, đã buộc phải cắt giảm 8.000 công nhân kể từ tháng 11 do đơn hàng giảm.

Thay vì sản xuất tại Trung Quốc, Samsung đã mở cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm ngoái.

Để đáp lại vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thu hút các nhà sản xuất nước ngoài bằng cách hứa rằng họ sẽ được hoan nghênh và bảo vệ tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã gấp rút thông qua luật đầu tư nước ngoài trong năm nay để bảo vệ pháp lý cho quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Trung Quốc cũng đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tên tuổi như nhà sản xuất ô tô điện Tesla. Nhà máy mới ở Thượng Hải do Tesla sở hữu độc quyền, được hỗ trợ bởi các khoản vay hào phóng của các ngân hàng Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất xe Model 3 vào cuối năm 2019, chỉ một năm sau khi bắt đầu xây dựng.

Dữ liệu chính thức mới nhất của Trung Quốc cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ổn định phần lớn trong năm tháng đầu năm nay, với mức tăng 3,7% lên 55 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này giảm so với mức tăng trưởng hai phần trăm của năm ngoái.

Trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Wang Jisi, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ, đã viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Năm rằng Trung Quốc phải tránh rơi vào cái bẫy của việc tách rời khỏi Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới .

“Một số người Mỹ muốn thấy sự tách rời của hai nước về thương mại và công nghệ, nhưng Trung Quốc nên duy trì làm việc và cộng tác với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, trong các lĩnh vực thương mại và công nghệ”, ông Wang nói.

Đầu tháng này, Bộ công nghiệp công nghệ Trung Quốc đã cấp giấy phép viễn thông không dây 5G cho một loạt các tập đoàn công nghệ như China Telecom, China Mobile, China Unicom, báo hiệu những khoản đầu tư lớn vào thị trường di động lớn nhất thế giới trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang gia tăng với Mỹ.

James Yan, giám đốc nghiên cứu của công ty công nghệ Counterpoint có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, điều này chỉ khả thi về mặt lý thuyết, nhưng sự phát triển của thế hệ điện thoại thông minh và mạng 5G của Trung Quốc phải được kết nối và tương thích với thế giới.

Tuy nhiên, đối với những người ở Châu Giang gần nhà máy Samsung, mọi thứ đang dần chấm dứt. “Có lẽ tôi sẽ cố gắng làm việc nốt ở đây cho đến ngày khi Samsung hoàn toàn rời khỏi Trung Quốc”, Huang nói.

Vũ Huy Hoàng

Theo Scmp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm