1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp tuần qua:

Nhà Cường "Đô La" tăng vọt tài sản; công ty dạy làm giàu thua lỗ

Mai Chi

(Dân trí) - Tuần vừa rồi, cổ phiếu QCG tăng 32% và tăng gần 50% trong một tháng khiến tài sản gia đình CEO Nguyễn Quốc Cường tăng tương ứng. Trong khi đó, công ty dạy làm giàu chưa thoát lỗ 9 tháng.

Tài sản cựu CEO Quốc Cường Gia Lai 49%; con dâu không nắm cổ phần

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai trong tuần qua tăng trọn vẹn cả 5 phiên với 3 phiên liên tục tăng trần và 2 phiên sau đó tăng mạnh. Kết tuần, QCG đóng cửa tại mức giá 9.850 đồng, tăng gần 32%. Thanh khoản ở mức cao, tăng đột biến lên 1,76 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong vòng một tuần.

Động lực khiến giá QCG tăng vọt chưa rõ khi mà Quốc Cường Gia Lai chưa công bố thông tin mới hay hé lộ về kết quả kinh doanh quý III.

Tại mức giá này, cổ phiếu QCG đã tăng 49,24% trong vòng một tháng giao dịch. Cổ phiếu này cũng về lại mức giá của thời điểm 3 tháng trước khi Quốc Cường Gia Lai xảy ra biến cố Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt.

Giá trị tài sản trên sàn của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc đương nhiệm của công ty - tăng tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu QCG.

Nhà Cường Đô La tăng vọt tài sản; công ty dạy làm giàu thua lỗ - 1

Đồ thị giá cổ phiếu QCG trong 3 tháng qua (Nguồn: Tradingview).

Theo báo cáo quản trị bán niên đã cập nhật của công ty, tại ngày 30/7, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn sở hữu xấp xỉ 102 triệu cổ phiếu QCG, ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu khiêm tốn 537.500 cổ phiếu QCG. Vợ ông Cường là bà Đàm Thu Trang không nắm giữ cổ phần tại công ty.

Em gái ông Cường là bà Nguyễn Ngọc Huyền My sở hữu 39,38 triệu cổ phiếu còn chồng bà My là ông Lầu Đức Duy sở hữu 10,54 triệu cổ phiếu QCG. 

Tỷ phú Trần Đình Long thắng đậm

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) báo cáo sơ bộ về tình hình kinh doanh quý III và 9 tháng.

Trong quý III, doanh nghiệp do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế doanh nghiệp đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh thu quý III của tập đoàn này đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt hơn 105.000 tỷ đồng tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch năm. Hòa Phát cho biết đã nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng, vượt số nộp cả năm 2023.

Kết quả trên nhờ vào sự cải thiện doanh thu bán hàng và biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh như thép, nông nghiệp. Cụ thể, lợi nhuận nhóm thép tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%.

Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao trong quý III đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước, tuy nhiên, thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%. Thép cuộn cán nóng có sản lượng 738.000 tấn, tương đương quý II. 

Một doanh nghiệp ô tô không có đồng doanh thu nào trong quý III

Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng (mã chứng khoán: GGG) công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với tình trạng "trắng" doanh thu, không ghi nhận đồng doanh thu nào về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán vẫn phát sinh hơn 1 tỷ đồng và lỗ gộp ghi nhận con số tương ứng.

Doanh thu hoạt động tài chính của Ô tô Giải Phóng cũng rất khiêm tốn, chưa tới 600.000 đồng (con số này của cùng kỳ năm ngoái thậm chí chưa tới 40.000 đồng). Tuy nhiên, công ty vẫn phát sinh chi phí tài chính lên tới 2,3 tỷ đồng trong quý vừa qua, chủ yếu là chi phí lãi vay ở mức 2,27 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 3,9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 3,6 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, Ô tô Giải Phóng ghi nhận doanh thu 5,3 tỷ đồng, tuy tăng gấp 7 lần cùng kỳ nhưng vẫn là con số khiêm tốn đối với một doanh nghiệp kinh doanh. Lỗ sau thuế 9 tháng là 14,2 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức lỗ cùng kỳ là 10,9 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, công ty lỗ lũy kế 340,5 tỷ đồng, vượt qua phần vốn góp của chủ sở hữu là 293,9 tỷ đồng, qua đó khiến vốn chủ sở hữu âm gần 45,8 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp bán khóa học dạy làm giàu vẫn lỗ 9 tháng

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang (mã chứng khoán: VLA) - doanh nghiệp chuyên bán khóa học làm giàu , đầu tư tài chính - vừa công bố báo cáo tài chính quý III.

Cụ thể, trong quý vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2,5 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ 2023. Sau khi trừ giá vốn, doanh nghiệp này lãi gộp quý III gần 2 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý III, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế hơn 502 triệu đồng, gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải thích về kết quả kinh doanh phục hồi trong quý III, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết do tình hình kinh doanh có những chuyển biến tích cực, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ. Doanh thu tăng chủ yếu do lượng học viên tham gia các khóa học trong quý tăng.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, công ty bán khóa học dạy đầu tư làm giàu này ghi nhận doanh thu thuần giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 4,8 tỷ đồng; lỗ sau thuế là hơn 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 250 triệu đồng.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 4 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp 2 và 4 lần so với thực hiện năm 2023. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, công ty chưa ghi nhận bất kỳ đồng lợi nhuận nào và chỉ đạt 24% chỉ tiêu doanh thu.

Ai đứng sau chuỗi nhà hàng Cơm tấm Cali tại TPHCM?

Doanh nghiệp vận hành chuỗi Cơm tấm Cali tại TPHCM là Công ty cổ phần Ngọc Lễ F&B. Tiền thân doanh nghiệp này là Công ty TNHH Ngọc Lễ, được thành lập năm 2007.

Vào tháng 9/2016, cổ đông thành lập gồm bà Nguyễn Thị Hương Thảo góp 490 triệu đồng, bà Truong Stephanie Hong (quốc tịch Mỹ) góp 4,41 tỷ đồng. Sau đó phần vốn của 2 người này được chuyển cho ông Trần Thành Đạt (4,41 tỷ đồng), ông Đinh Xuân Thuấn (245 triệu đồng), bà Trần Thị Xuân Hương (245 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Hương Thảo là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đến tháng 11/2016, công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần.

Tháng 1/2017, doanh nghiệp này thay đổi đăng ký kinh doanh với sự xuất hiện của ông Phạm Lê Nhật Quang. Ông Nhật Quang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị. Vị trí Giám đốc và Người đại diện pháp luật được chuyển sang cho ông Trần Thành Đạt. Ông này cũng là cổ đông góp vốn lớn nhất.

Cổ đông nước ngoài là Công ty cổ phần QSR Investment. Tháng 4/2022, doanh nghiệp tiếp tục  tăng vốn lên 9,9 tỷ đồng. Công ty QSR Investment góp hơn 4,8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần QSR Investment được thành lập từ năm 2013. Doanh nghiệp này chuyên đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Thông tin giới thiệu trên website cho thấy đơn vị này đứng sau hệ thống nhà hàng với các thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ như Dairy Queen, Swensen's, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, Chang và The Coffee Club. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm